THAM LUẬN

Phương pháp giảng dạy nhằm đảm bảo tính liền mạch kiến thức bộ môn Toán THPT cho học sinh THPT Phan Thiết

 

Kính thưa: Quý đại biểu, cùng toàn thể hội nghị!

 

Chắc hẳn trong mỗi giáo viên chúng ta, ai cũng mong muốn học trò luôn chăm ngoan học giỏi, để gặt hái được nhiều kết quả cao. Là một giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy chắc hẳn ai cũng trăn trở, suy nghĩ tìm ra những phương pháp giảng dạy phù hợp với yêu cầu đổi mới, phù hợp với từng đối tượng lớp học và thậm chí đến từng đối tượng học sinh. Bởi vì một trong những điều thầy cô quan tâm nhiều nhất là: nâng cao chất lượng dạy ở các bộ môn nói chung và môn Toán nói riêng. Bản thân là một giáo viên dạy toán, tôi và thầy cô trong tổ chuyên môn và đặc biệt đối với Ban giám hiệu của nhà trường cũng luôn trăn trở về điều đó.

Một vấn đề nhận thấy hiện nay đối với học sinh và đặc biệt học sinh trường THPT Phan Thiết, nhiều thầy cô rất vất vả trong việc củng cố lại kiến thức cũ, đặc biệt kiến thức ở lớp học dưới, cấp học dưới, các em không nhớ hoặc không biết vận dụng những kỉ năng, kiến thức ở lớp dưới để áp dụng vào học các kiến thức, kỷ năng giải toán mới. Ví dụ như ở lớp 10, các kỹ năng về “phép toán trên tập hợp”, “xét dấu tam thức bậc hai”, “lượng giác”… Các kỹ năng này có thể xem nôm na công dụng của nó giống như các phép toán “cộng, trừ, nhân, chia” của học sinh cấp tiểu học; Chẳng hạn như dùng kỹ năng “giao hai tập hợp” để tìm tập nghiệm của “bất phương trình”, “hệ bất phương trình”, dùng kỷ năng xét dấu nhị thức bậc nhất, tam thức bậc hai đối với bài toán liên quan đến “hàm số”, “tích phân có chứa dấu GTTĐ của lớp 12,…Hay nói khác hơn mạch kiến thức đã học của học sinh không được liên tục, bị hỏng ở rất nhiều kỹ năng. Do đó để dạy một kiến thức mới buộc thầy (cô) chúng ta phải nhắc lại hàng loạt kiến thức cũ liên quan để hình thành kiến thức mới mà điều này thời gian không cho phép chúng ta làm hết được. Vì vậy phải làm sao tìm ra một “phương pháp giảng dạy nhằm đảm bảo tính liền mạch kiến thức bộ môn Toán THPT cho học sinh”? Thật khó phải không quý thầy cô? Và đặc biệt càng khó hơn đối với đối tượng học sinh của chúng ta.

Nhân hội nghị này, xin thay mặt thầy cô giáo giảng dạy bộ môn Toán xin trình bày một số quan điểm, một số tâm tư của cá nhân cũng như của thầy cô giáo của Tổ về vấn đề này, để từ  đó có đề xuất về phương pháp cải thiện dần tình trạng này.

Trước tiên chúng ta cần phải suy nghĩ vì sao học sinh chúng ta lại bị hỏng rất nhiều kiến thức ở các lớp dưới và từ đó có thể đưa ra giải pháp thích hợp mang tính thực tế nhằm “vá” dần những “lỗ hỏng” ấy.

1. Một số nguyên nhân và thực trạng:

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học sinh không nhớ rất nhiều kiến thức ở cấp, lớp học dưới. Xuất phát chính từ cách dạy của giáo viên, phương pháp và ý thức học tập của học sinh.

Cách dạy hiện nay của đa số giáo viên, giáo viên giảng và ghi chép bảng, học sinh nghe và ghi chép lại vào vở, từ đó xuất hiện nhiều mâu thuẫn.

Thứ nhất, do thời lượng một tiết học rất ít nên giáo viên thường ít cho học sinh hoạt độngKhám phá kiến thức mới mà giáo viên chỉ truyền đạt một chiều theo hướng “giáo viên đưa nội dung định lý – chứng minh định lý một cách chặt chẽ (nếu cần thiết) – học sinh ghi chép vào tập – giáo viên giải ví dụ mẫu cho học sinh bắt chước làm bài tập”. Hơn nữa, giáo viên sợ hết giờ, không dạy kịp nội dung chương trình nên ít cho học sinh làm việc nhóm, làm cho không khí lớp trở nên trần buồn, học sinh thiếu năng động, thiếu khả năng làm việc nhóm sau này.

Thứ hai, tại thời điểm giảng dạy kiến thức mới, ít giáo viên quan tâm nhắc nhở, nhấn mạnh  kiến thức, kỷ năng đó sẽ quan trọng thế nào đối với cấp học, lớp học trên.

Thứ ba, học sinh phải ghi lại những nội dung không phải trọng tâm của bài học, việc này tốn thời gian không cần thiết. Mặt khác, do thời lượng tiết học ít, các em viết bài chậm nên không viết kịp bài học vào vở. Từ đó việc lưu lại vở học của các em rất yếu và thậm chí vở học của học sinh có thể bị “mất tích” sau khi học hết năm học, vì vậy tài liệu để xem lại kiến thức cũ hầu như không có.

Chúng ta phải chấp nhận một thực tế là khi học kiến thức nào đó sau một thời gian nhất định có thể các em sẽ quên, như vậy trách nhiệm của giáo viên cần phải có giải pháp để các em nhớ lại kiến thức cũ, thậm chí có nhiều tiết dạy việc nhắc lại kiến thức cũ liên quan chiếm nhiều hơn thời gian trang bị kiến thức mới.

Từ một số nguyên nhân và thực trạng đã nêu, ta thấy cần phải có “tài liệu hướng dẫn học tập”, định hình cho giáo viên từng bước đổi mới phương pháp giảng dạy. Tài liệu này phải đảm bảo tăng cường thời gian cho học sinh hoạt động khám phá kiến thức, giúp giáo viên đẩy mạnh các phương pháp dạy học mà vẫn đảm bảo thời lượng tiết dạy, chương trình và phải dễ dàng thực hiện đối với mỗi giáo viên.

2. Biện pháp thực hiện:

Từ những hạn chế qua thực tiễn giảng dạy đã nêu trên, ta có thể áp dụng biện pháp biên soạn tài liệu học tập cho học sinh bằng hình thức “vở bài tập” dựa vào sách giáo khoa của Bộ giáo dục ban hành theo trình tự và cấu trúc như sau:

a). Về hình thức:

Tài liệu được biên soạn theo thứ tự chương, bài, tiết, được đóng thành tập cẩn thận và có thể chia thành hai tập theo từng phân môn.

b). Về cấu trúc:

Khi vào đầu chương mới, bài mới, giáo viên mất không ít thời gian để nhắc lại toàn bộ kiến thức cũ liên quan đến chương đó. Hơn nữa khi nghiên cứu bài trước ở nhà học sinh gặp phải những kiến thức cũ nhưng các em nhiều khi không nhớ được kiến thức đó là gì, ở đâu. Vì thế giải pháp tóm tắt lại toàn bộ kiến thức cũ liên quan đến chương sẽ học là một giải pháp hữu hiệu để giáo viên tiết kiệm được thời gian và học sinh có thể dễ dàng tra cứu lại những kiến thức cần thiết.

Theo tài liệu học tập này, phần hoạt động nhóm giáo viên chuẩn bị trước sao cho phù hợp với trình độ nhận thức của lớp, học sinh có thể ghi những ví dụ mẫu vào tài liệu của mình (thiết kế có phần trống để học sinh ghi vào, phần này chiếm đa số trong tài liệu) để áp dụng cho việc giải bài tập và những nội dung trọng tâm đã được nhấn mạnh.

Phần ghi chú ở cuối nội dung bài học để dành cho học sinh ghi lại những kiến thức mở rộng, những kinh nghiệm giải toán, những cách ghi nhớ công thức,…

Nội dung bài tập rèn luyện được chia thành ba phần: Phần bài tập cơ bản dành cho mọi học sinh; phần bài tập cơ bản dành cho học sinh khá và phần bài tập nâng cao dành cho học sinh giỏi. Dưới mỗi đề bài có thiết kế chỗ trống để học sinh ghi chép nội dung lời giải.

Phần câu hỏi chuẩn bị bài ở cuối bài học dành cho giáo viên đặt câu hỏi, yêu cầu học sinh chuẩn bị bài tiếp theo.

c). Tác dụng của tài liệu:

Dù chúng ta chưa thực hiện giảng dạy bằng phương pháp biên soạn tài liệu, nhưng qua phân tích chắc chắn ai cũng thấy rõ những mặt tích cực của phương pháp.

Thứ nhất, dạy và học theo tài liệu biên soạn sẵn, học sinh có nhiều thời gian hoạt động nhóm, hoạt động khám phá kiến thức mới nên không khí lớp học sinh động và học sinh tích cực hơn trong học tập. Giáo viên dễ dàng chủ động được thời gian và phù hợp với cách dạy: Giáo viên làm chủ đạo – học sinh chủ động, dạy học lấy học sinh làm trung tâm.

Thứ hai, việc dạy theo tài liệu có cấu trúc này có mục đích: bình thường khi học bộ môn Toán học sinh phải mang theo vở ghi bài học, vở bài tập, sách giáo khoa lý thuyết, sách bài tập; hơn nữa bộ môn Toán lại chia thành phân môn Hình học và Đại số nên việc học sinh mang nhầm hoặc thiếu tập vở, sách giáo khoa là chuyện thường xuyên. Còn đối với học theo tài liệu có cấu trúc như trên học sinh chỉ cần mang theo hai quyển (một quyển tài liệu, một quyển vở bài tập) cho cả hai phân môn vì tài liệu đã tích hợp sẵn: sách giáo khoa, sách bài tập, vở ghi bài học cho cả hai phân môn.

Ngoài ra, tài liệu đã được cô đọng gom gọn, nên học sinh dễ dàng lưu lại cho việc ôn tập ở các lớp sau và đặc biệt là ôn tập để tham gia kì thi Quốc gia.

Trên đây, là một vài điều mà bản thân tôi học hỏi được từ đồng nghiệp, cũng như trong quá trình giảng dạy, rất mong quí thầy cô đóng góp ý kiến để cho bản tham luận được hoàn thiện hơn, và có thể áp dụng nó vào các năm học sau.

Cuối cùng, xin kính chúc quí thầy cô dồi dào sức khỏe, chúc hội nghị thành công tốt đẹp! 

06.10.2014

Categorised in: