“Trong Văn nghị luận, viết rõ ràng, đủ ý là tiêu chí quan trọng nhất. Việc đan xen những lời bình của các tác giả nổi tiếng và sử dụng châm ngôn, thơ minh họa sẽ gây ấn tượng tốt với người đọc”.

Trước kỳ thi đại học đang đến gần, thủ khoa khối C cao điểm nhất cả nước năm 2013 – Đinh Thị Lệ Thu (27,5 điểm, sinh viên đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ một số kỹ năng ôn thi cho các sỹ tử.

Thu cho rằng, với các môn khối C (Văn, Sử, Địa) dù sĩ tử đến trung tâm ôn luyện thì về nhà vẫn cần kết hợp tự học để củng cố kiến thức. Không quan trọng một ngày cần học bao nhiêu tiếng mà là học vào lúc nào để hiệu quả nhất. Bản thân nữ thủ khoa luôn chọn ôn bài vào sáng sớm cho yên tĩnh và đầu óc còn thoải mái, dễ tiếp nhận, ghi nhớ dữ kiện. Việc thức khuya dậy sớm khi ôn thi, theo Thu là khó tránh tránh khỏi. Nữ thủ khoa khuyên rằng, dù học bài nhiều thế nào, các sĩ tử cũng cần quan tâm, giữ sức khỏe thật tốt trong suốt quá trình ôn luyện và đi thi.

thu-khoa-su-pham-1-4634-1402475638.jpg

Đinh Thị Lệ Thu, thủ khoa khối C cao điểm nhất cả nước năm 2013 (27,5 điểm), nữ sinh đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Khi ôn môn Lịch sử, nhiều người cho rằng chỉ cần học thuộc là được, Thu không đồng tình với ý kiến đó. Theo nữ thủ khoa, nếu chỉ học vẹt mà không tư duy, sĩ tử sẽ khó tiếp nhận được vì lượng kiến thức Lịch sử vô cùng lớn.

Làm bài thi nếu không biết tư duy vận dụng, so sánh các sự kiện cũng khó đạt điểm cao. Khi ôn tập môn học này, ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa (SGK), Thu còn đọc thêm phần hỏi-đáp trong sách nâng cao. Nữ sinh này chia thành từng giai đoạn lịch sử để học cho rõ ràng, đỡ nhầm lẫn. Phần lịch sử thế giới thường dễ lấy điểm nhất nên Thu khuyên các sĩ tử học thật chắc để kiếm trọn 3 điểm. Với phương pháp ôn tập như trên, cựu nữ sinh THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) Đinh Thị Lệ Thu đã đạt 9,5 điểm thi đại học môn Lịch sử.

Với Địa lý, Thu chọn cho mình cách học kiểu gạch ý rồi giải quyết từng vấn đề từ dễ đến khó để đạt được nhiều điểm nhất. Song song với việc sử dụng kiến thức trong sách giáo khoa, Thu luôn lấy thêm các dẫn chứng thực tế cho bài thêm sinh động.

Năm nào đề thi Địa lý cũng có câu hỏi về kĩ năng biểu đồ, lược đồ. Nữ thủ khoa từng đạt 9,25 điểm trong môn thi đại học này tư vấn rằng, điều quan trọng nhất là các sĩ tử phải xác định được dạng biểu đồ cần vẽ. “Biểu đồ miền thường thể hiện sự dịch chuyển cơ cấu trong nhiều năm; biểu đồ tròn thể hiện sự thay đổi cơ cấu trong tối đa là 3 năm; biểu đồ đường thể hiện tốc độ tăng trưởng; biểu đồ kết hợp thể hiện 2 đối tượng khác nhau về đơn vị…”, Thu nhắc lại những dạng biểu đồ phổ biến hay được ra trong đề thi.

Nữ thủ khoa lưu ý sĩ tử cần ghi đầy đủ: tên bảng số liệu, tên biểu đồ và có chú giải rõ ràng.

Các nguồn học liệu thủ khoa khối C tư vấn nên tham khảo:

– Sách Ngữ văn: Bình giảng văn học 11, 12; Đọc-hiểu văn bản 12; Lập dàn ý văn bản 11, 12; Phân loại phương pháp làm bài văn nghị luận 12; Dạy và học nghị luận xã hội…

– Sách Lịch sử: Các câu hỏi trắc nghiệm lịch sử 12.

Ở môn Ngữ văn, ngoài việc nắm chắc kiến thức trong SGK, Thu khuyên các thí sinh đọc nhiều sách tham khảo để lấy được những “lời hay ý đẹp” và học cách hành văn của họ. Việc theo dõi tin tức thời sự, đọc báo chí, sách “Hạt giống tâm hồn” sẽ giúp có thêm nhiều dẫn chứng trong bài viết.

Năm 2014, cấu trúc đề Ngữ văn có sự thay đổi, thêm phần đọc hiểu và gộp nghị luận văn học vào với nghị luận xã hội. Đây là điều khiến nhiều sĩ tử tỏ ra lo lắng. Nữ thủ khoa khối C cao điểm nhất cả nước cho rằng, dù cấu trúc đề nào, điều quan trọng nhất vẫn là viết rõ ràng, đủ ý.

Ở bài nghị luận, Thu khuyên các sĩ tử nắm rõ đặc điểm của từng dạng để tìm được điểm chung, điểm riêng rồi lồng ghép, viết bài sao cho logic nhất. Mở bài có thể bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua thơ ca, nhạc, câu chuyện cuộc sống… Thân bài cần giải quyết rõ yêu cầu của đề và có dẫn chứng chi tiết, tốt nhất là dẫn chứng từ cuộc sống thực. Kết bài nên sử dụng thơ hoặc câu văn thật ý nghĩa để lưu lại ấn tượng cho người đọc.”Đan xen lời bình của những tác giả nổi tiếng và sử dụng châm ngôn, thơ minh họa sẽ gây ấn tượng tốt với người đọc, giúp bài viết dễ đạt điểm cao”, Thu tâm sự.

Sau khi nhận được đề thi việc đầu tiên nữ thủ khoa khối C làm là gạch chân từ khóa của đề, gạch ý ra nháp (khoảng 5-7p) rồi bắt đầu trình bày vào bài. Việc viết rõ ràng các luận điểm, luận cứ, viết có trọng tâm, trình bày khoa học, sạch sẽ… là những điều rất quan trọng trong môn thi khối C.

Công thức chiến thắng kỳ thi đại học của nữ thủ khoa khối C cao điểm nhất cả nước là: “Chăm chỉ – sáng tạo – bình tĩnh”.

“Tôi cũng giống như các bạn. Tôi có thể trở thành thủ khoa, các bạn cũng có thể. Chỉ cần chăm chỉ, xác định được mình muốn gì, cần gì và bình tĩnh, sáng suốt theo đuổi, nhất định thành công sẽ đến với các bạn”, Thu nhắn nhủ.

Quỳnh Trang

Categorised in: