LỊCH SỬ CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM

 I. QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP

Ngày 28/7/1929, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) được thành lập, từ đó giáo giới cả nước được tiếp cận với các chủ trương của Tổng Liên đoàn. Tổ chức của giáo giới bắt đầu được hình thành ở nhiều nơi với nhiều tên gọi : Liên đoàn giáo giới ở Thanh Hoá, Nghệ An và một số tỉnh ở khu V; Công đoàn giáo giới ở Phú Yên; Công đoàn giáo dục tiểu học ở Hà Tĩnh…Các tổ chức này lúc đầu hoạt động như các đoàn thể cứu quốc, lấy việc phục vụ kháng chiến, tham gia công tác xã hội làm nội dung chính. 
Tháng 9 năm 1950, thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn và được sự giúp đỡ tận tình của Lãnh đạo Bộ Giáo dục, đặc biệt là Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn, Bí thư Đảng đoàn Bộ Giáo dục, Ban vận động thành lập Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã ra đời. Từ đó, theo đường hướng của Tổng Liên đoàn và sự chỉ đạo của Liên hiệp công đoàn các tỉnh, tổ chức Công đoàn Giáo dục nhanh chóng được phát triển ở các cơ quan giáo dục và các trường học từ Việt Bắc đến khu III, khu IV, khu V. Số lượng đoàn viên lúc này đã lên tới 9857 người.

Trên cơ sở đó, ngày 22 tháng 7 năm 1951, tại Hội nghị Công đoàn Giáo dục toàn quốc ở Việt Bắc, Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn Giáo dục Việt Nam chính thức được thành lập với chức năng tập hợp, vận động cán bộ, giáo viên trong các cơ quan giáo dục và trường học thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ kháng chiến. Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam lâm thời có 15 uỷ viên do đồng chí Nguyễn Cát Tường làm Chánh thư ký, đồng chí Phương Hoa làm Phó thư ký. Hội nghị đã thông qua chương trình công tác gồm 4 điểm:

– Thúc đẩy đoàn viên làm nhiệm vụ chuyên môn,

– Xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh, đảm bảo thực hiện cải cách giáo dục,

– Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên,

– Đoàn kết lao động trí óc và chân tay đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tuy còn sơ lược nhưng chương trình hoạt động nói trên đã như một lời tuyên ngôn về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn ngành, đặt cơ sở cho quá trình tổ chức và hoạt động của Công đoàn Giáo dục Việt Nam. 
Với tinh thần hăng hái của một tổ chức mới ra đời, được đông đảo giáo giới cả nước hưởng ứng, tổ chức Công đoàn Giáo dục đã phát triển nhanh chóng. Đến cuối năm 1952, tổng số đoàn viên đã lên tới 11.500 người.

Tham gia Công đoàn Giáo dục Quốc tế (FISE)


Tháng 7/1953, tại Hội nghị Công đoàn Giáo dục Quốc tế (FISE) họp tại Viên ( Thủ đô nước Áo), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã được công nhận là một thành viên chính thức và có đại diện tham gia Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Quốc tế. Từ đó, vai trò, tiếng nới của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia và ngày càng tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của giáo giới các nước đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng một nền giáo dục mới ở nước ta. 
Hội nghị cán bộ công đoàn toàn quốc:


Tháng 6/1954, sau chiến thắng lịch sử ở Điện Biên Phủ, Hội nghị cán bộ công đoàn toàn quốc đã họp tại xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Tuy chưa phải là một Đại hội, nhưng đây là lần đầu tiên Công đoàn Giáo dục Việt Nam có cuộc họp toàn quốc, bao gồm cán bộ công đoàn ở các khu, tỉnh và Ban Chập hành lâm thời Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Hội nghị này là một mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Hội nghị đã kiểm điểm tình hình phong trào, bàn bạc thống nhất các vấn đề về củng cố tổ chức, kiện toàn lãnh đạo công đoàn, vận động đoàn viên làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, tham gia phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất v.v…Do có một số cán bộ chuyển đổi công tác, hội nghị đã bầu bổ sung thêm 7 uỷ viên, đưa số uỷ viên Ban Chấp hành lâm thời lên 19 người. Hội nghị đã bầu giáo sư Nguyễn Văn Chiển làm Chánh thư ký, đồng chí Trần Nhật Dụ làm Phó thư ký Ban Chấp hành lâm thời.

Sau ngày giải phóng Thủ đô, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đặt trụ sở tại số 78 phố Lò Đúc – Hà Nội. Hoạt động của Công đoàn Giáo dục Việt Nambước vào thời kỳ mới – thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng miền Bắc XHCN, đấu tranh thống nhất nước nhà.

II. ĐẠI HỘI LẦN THỨ NHẤT CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM.

Đến năm 1957, Công đoàn Giáo dục Việt Nam (CĐGDVN) đã có một hệ thống tổ chức hoàn chỉnh, tương ứng với hệ thống tổ chức của chuyên môn. Toàn công đoàn có 3106 tổ công đoàn, 351 công đoàn cơ sở(lúc đó công đoàn giáo dục huyện cũng coi là công đoàn cơ sở), 28 công đoàn giáo dục tỉnh, thành phố, 6 công đoàn khu và đắc khu và đặc khu với trên 21.000 đoàn viên. Được sự đồng ý của TLĐLĐVN, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã được tổ chức từ ngày 25 đến ngày 31 tháng 7 năm 1957 tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội đã xác định nhiệm vụ chung của cả hệ thống CĐGDVN là: “Tăng cường giáo dục nâng cao giác ngộ XHCN đoàn kết rộng rãi lao động toàn ngành; chăm lo bồi dưỡng đoàn viên; động viên lòng phấn khởi hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển ngành Giáo dục; góp phần củng cố miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà”

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Uỷ viên Thường vụ TLĐLĐVN Bùi Quỳ đã đến thăm và nói chuyện với Đại hội.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành CĐGDVN khoá I gồm 25 đồng chí. Giáo sư Đặng Minh Trứ được bầu làm Chánh thư ký; các đồng chí Nguỵ Như Kon Tum, Trần Hậu Toàn, Trần Nhật Dụ được bầu làm Phó thư ký. Năm 1959, giáo sư Đặng Minh Trứ chuyển sang làm công tác khoa học, TLĐLĐVN điều giáo sư Nguyễn Văn Hiếu từ Bộ Giáo dục sang làm Chánh thư ký Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo đã được tổ chức trọng thể tại Nhà hát Nhân dân (nay là Cung Văn hoá Hữu nghị). Đồng chí Trường Chinh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, lãnh đạo TLĐLĐVN, Bộ Giáo dục… cùng đông đảo các nhà giáo ở Thủ đô Hà Nội đã đến dự. Từ đó, ngày quốc tế Hiến chương các Nhà giáo đã trở thành ngày Hội của giáo giới nước ta. Đến năm 1982, tại Quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về ngày Nhà giáo Việt Nam đã Quyết định “Từ nay hàng năm sẽ lấy ngày 20 tháng 11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam”.

III. ĐẠI HỘI LẦN THỨ II CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM.


Kết thúc kế hoach 3 năm khôi phục và phát triển kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng, miền Bắc phấn khởi bước vào kế hoach 5 năm lần thứ nhất (1960 – 1965). Đại hội lần thứ hai của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã được tổ chức từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 7 năm 1961 tại thành phố Hải Phòng

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Võ Thuần Nho và Phó Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam đã đến dự và phát biểu ý kiến.

Đại hội đã quyết định nhiệm vụ trước mắt của Công đoàn Giáo dục Việt Nam là: “Đoàn kết lao động toàn ngành, ra sức bồi dướng quan điểmtư tưởng mới, bồi dưỡng nghiệp vụ văn hoá, ký thuật, cải thiện đời sống vật chất cho đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh nhằm phát triển phong trào quần chúng thi đua giảng dạy tốt, công tác tốt, thực hiện giáo dục phục vụ công – nông, giáo dục phục vụ sản xuất, xây dựng một nền giáo dục thật sự XHCN”.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 36 đồng chí uỷ viên chính thức và 4 đồng chí uỷ viên dự khuyết. Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu được bầu làm Chánh thư ký, các đồng chí Trần Hậu Toàn, Ngụy Như Kon Tum, Trần Nhật Dụ được bầu làm Phó thư ký. Đại hội đã nhận được điện, thư chào mừng của Công đoàn Giáo dục Quốc tế, Công đoàn giáo dục Liên Xô, Công đoàn giáo dục Ba Lan, Bungari, Rumani, Cộng hoà dân chủ Đức.

IV. ĐẠI HỘI LẦN THỨ III CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM.


Đại hội lần thứ III của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đẫ được tổ chức từ ngày 9/8 đến ngày 11/8/1963 tại trường Chính trị – Bộ Giáo dục. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã đến dự, chỉ đạo Đại hội.

Đại hội đã đề ra nhiệm vụ chung trong nhiệm kỳ là: “Tên cơ sở kiện toàn Công đoàn ngành trung ương, củng cố công đoàn cơ sở, ra sức bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, tác phong xã hội chủ nghĩa; tích cực cải thiện đời sống cho đoàn viên, lao động toàn Ngành nhằm đẩy mạnh phong trào quần chúng thi đua giảng dạy tốt, công tác tốt. Xây dựng nền giáo dục gắn liền với nhà trường và đời sống, với sản xuất, phục vụ đắc lực hai cuộc vận động lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hoá XHCN ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà”.

Do chủ trương kiện toàn, làm gọn nhẹ bộ máy của Tổng Công đoàn nên số lượng uỷ viên Ban Chấp hành CĐGDVN từ 40 người (khoá II) chỉ còn 15 người (khoá III). Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu được bầu làm Chánh thư ký, đồng chí Trần Hậu Toàn tiếp tục được bầu làm Phó thư ký. Năm 1964, giáo sư Nguyến Văn Hiếu chuyển công tác, đồng chí Trần Văn Các được bầu bổ sung làm Chánh Thư ký.

Ngày 20/11/1963, Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam được thành lập do Giáo sư Lê Văn Huấn làm Hội trưởng, đảm nhận việc tập hợp, đoàn kết giáo giới miền Nam phát triển sự nghiệp giáo dục các vùng giải phóng, đấu tranh cho dân sinh, dân chủ và thống nhất nước nhà.

V. ĐẠI HỘI LẦN THỨ IV CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM.


Giữa những ngày chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt nhất của đế quốc Mỹ, tháng 9 năm 1967, Đại hội lần thứ IV Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã họp tại một hội trường tranh tre, xung quanh là hầm hào phòng không thuộc xã Việt Tiệp, huyện Khoái Châu tỉnh Hải Hưng. Các đại biểu đại diện cho 10 vạn đoàn viên công đoàn trong ngành đã về dự. Có những đại biểu từ tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đã phải vượt qua biết bao trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ để kịp dự Đại hội. 
Đại hội đã quyết định nhiệm vụ chung của Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong những năm tiếp theo là: “Tăng cường tổ chức bồi dưỡng GV-CB-CNV tham gia quản lý cơ quan, trường học, quán triệt sâu sắc đường lối giáo dục của Đảng, đồng thời hết sức chăm lo đến đời sống của anh chị em; động viên toàn ngành nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển hướng giáo dục, chuyển hướng đào tạo trong bất kỳ tình huống nào”.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 31 uỷ viên. Thứ trưởng Lê Liêm, Bí thư Đảng Đoàn Bộ Giáo dục được bầu làm Chánh Thư ký; các đồng chí Trần Văn Các, Trần Hậu Toàn, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Danh Hoàn được bầu làm Phó Thư ký.

VI. ĐẠI HỘI LẦN THỨ V CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM.


Đại hội lần thứ V Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tiến hành vào tháng 6 năm 1970 tại trường cán bộ công đoàn Hà Nội. Hơn 150 đại biểu đại diện cho hơn 150.000 đoàn viên đã về dự.


Với tấm lòng vô cùng thương tiếc, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đại hội đã xác điịnh cho mình nhiệm vụ thiêng liêng là: “Đại hội thực hiện Di chúc của Bác Hồ”.


Đại hội đã quyết định nhiệm vụ chung của Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong nhiệm kỳ là: “Tập trung giáo dục, động viên toàn thể cán bộ, giáo viên nâng cao quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và xây dựng CNXH, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước thế hệ trẻ, phát huy khí thế cách mạng tiến công, phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục lên một bước”.


Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 25 uỷ viên. Giáo sư Ngụy Như Kon Tum được bầu làm Chánh Thư ký, đồng chí Hoàng Kim Hải được bầu làm Phó Thư ký.

VII. ĐẠI HỘI LẦN THỨ VI CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM.


Đại hội VI Công đoàn Giáo dục Việt Nam họp từ ngày 22 đến ngày 24/4/1975 tại trường Đại học Kinh tế Kế hoạch Hà Nội, Đại hội họp giữa lúc chiến dịch Hồ Chí Minh đang dồn dập tiến công như vũ bão. Ngày 30/4/1975 chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. 
Đại hội đã đề ra nhiệm vụ tổng quát trong nhiệm kỳ là: “Nâng cao nhiệt tình cách mạng, ý thức làm chủ sự nghiệp giáo dục của toàn thể GV- CB- CNV, động viên anh chị em hăng hái thi đua giảng dạy và công tác theo đúng đường lối, phương châm giáo dục của Đảng, cần kiệm xây dựng nhà trường XHCN; đồng thời không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu của cải cách giáo dục. Sẵn sàng chi viện cho yêu cầu phát triển giáo dục ở miền Nam. Tích cực tham gia quản lý cơ quan trường học góp phần cải tiến công tác chỉ đạo, Chăm lo đời sống của GV – CB – CNV. Tăng cường công tác bồi dưỡng cán bộ, cải tiến các hình thức, phương pháp hoạt động công đoàn”

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 25 đồng chí, đồng chí Dương Xuân Nghiên được bầu làm Thư ký, đồng chí Hoàng Kim Hải được bầu làm Phó thư ký.

Hội Nhà giáo yêu nước hoà nhập vào Công đoàn Giáo dục Việt Nam:


Từ 30/4/1975 đến khi kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình, Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động với khí thế sôi nổi, số lượng hội viên ngày càng gia tăng. Hoạt động của Hội đã góp phần tích cực ổn định tư tưởng cho giáo chức qua các đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, các buổi nói chuyện có chủ đề…. 
Theo đường lối thống nhất của Đảng và chủ trương của Tổng Công đoàn Việt Nam, ngày 25/7/1977 Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam đã làm lễ kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình, hoà nhập vào tổ chức Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Các đồng chí Lê Văn Chí, Dương Văn Diêu, Trần Thanh Nam là Thường vụ của Hội Nhà giáo yêu nước được TCĐ quyết định bổ sung vào BCH CĐGDVN; đồng chí Trần Thanh Nam được bầu vào Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam tại Hội nghị BCH mở rộng tổ chức ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) ngày 9/7/1977

VIII. ĐẠI HỘI LẦN THỨ VII CĐ GIÁO DỤC VIỆT NAM (6-9/4/1978)


Ngày 6/4/1978, Đại hội lần thứ VII Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã khai mạc trọng thể tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đại hội có 350 đại biểu. Đây là Đại hội lịch sử lần đầu tiên, từ khi thống nhất đất nước, của Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình và Thứ trưởng kiêm Bí Thư Đảng đoàn Bộ Giáo dục Nguyễn Thanh Khiết đã đến dự và phát biểu với Đại hội.

Đại hội đã đề ra nhiệm vụ tổng quát trong nhiệm kỳ là: “phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của GV – CB – CNV đối với sự nghiệp giáo dục, đẩy mạnh các phong trào cách mạng trong các trường học mà trung tâm là phong trào thi đua hai tốt theo gương các điển hình tiên tiến, thực hiện tốt các nguyên lý giáo dục của Đảng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lớp người lao động mới, tích cực chuẩn bị và từng bước thực hiện cải cách giáo dục; không ngừng giáo dục rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, hết sức chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ GV –CB –CNV nhằm từng bước xây dựng một đội ngũ trí thức của giai cấp công nhân Việt Nam; xây dựng công đoàn giáo dục lớn mạnh về tư tưởng, về tổ chức; tích cực cải tiến phương thức hoạt động làm cho Công đoàn Giáo dục thực sự là tổ chức rộng lớn nhất của giai cấp công nhân, là trường học của chủ nghĩa cộng sản, trường học quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước”

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 41 người, đồng chí Dương Xuân Nghiên được bầu làm Thư ký, đồng chí Hoàng Kim Hải làm Phó Thư ký.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm hoạt động (1951 – 1981), Nhà nước đã tặng Huân chương Lao động hạng nhất cho Công đoàn Giáo dục Việt Nam

IX. ĐẠI HỘI LẦN THỨ VIII CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM (26-28/4/1982)

Đại hội lần thứ VIII Công đoàn Giáo dục Việt Nam được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh lịch sử từ ngày 26 đến ngày 28 tháng 4 năm 1982. Về dự Đại hội có 350 đại biểu đại diện cho 40 vạn đoàn viên và lao động trong ngành. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch TCĐVN cùng các đồng chí lãnh đạo TCĐ, các đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục đã đến dự và phát biểu ý kiến với Đại hội. 
Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 1982 – 1987 trong đó nhấn mạnh những nội dung chính yếu sau:

– Tăng cường giáo dục chính trị – tư tưởng cho đội ngũ GV –CB –CNV trong ngành nhằm nâng cao ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa, phát huy những truyền thống cách mạng của Nhà giáo Việt Nam, nâng cao năng lực về mọi mặt nhằm thực hiện một cách tích cực và vững chắc nhiệm vụ cải cách giáo dục.

– Cùng với chuyên môn tiếp tục tổ chức chỉ đạo tốt phong trào “thi đua Hai tốt theo gương các điển hình tiên tiến”.

– Chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ GV- CB –CNV tạo điều kiện cho anh chị em cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.

– Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của công đoàn theo hướng đi sâu vào ngành nghề, đi sát quần chúng, đặc biệt chú trọng củng cố công đoàn trường học.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam gồm 41 uỷ viên. Đồng chí Dương Xuân Nghiên được bầu làm Thư ký, các đồng chí Hà Đức Thắng, Đinh Văn Phiêu làm Phó thư ký. Giữa nhiệm kỳ, đồng chí Dương Xuân Nghiên nghỉ hưu, đồng chí Đinh Văn Phiêu được chỉ định làm quyền Thư ký. 
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập, Công đoàn Giáo dục Việt Nam được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

X. ĐẠI HỘI LẦN THỨ IX CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM


Đại hội lần thứ IX Công đoàn Giáo dục Việt Nam được tổ chức từ ngày 19/4 đến ngày 21/4/1988 tại nhà khách Chính phủ (Hùng Vương, Hà Nội). 250 đại biểu đại diện cho 70 vạn lao động và đoàn viên trong ngành đã về dự. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tuớng Chính phủ; đồng chí Phạm Thế Duyệt Chủ tịch TCĐVN và đồng chí Phạm Minh Hạc Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã đến dự và phát biểu với Đại hội. 
Đại hội đã xác định phương hướng, nhiệm vụ chung của CĐGDVN trong nhiệm kỳ là: 
“Phát huy dân chủ XHCN trong các trường học, cơ quan quản lý giáo dục, chăm lo đời sống và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của GV -CB -CNV; đổi mới tổ chức và phương hướng thức hoạt động công đoàn giáo dục các cấp; phát huy tiềm năng lao động sáng tạo của đội ngũ GV -CB -CNV và quyền chủ động của công đoàn trường học nhằm xây dựng đội nghũ, ổn định nhà trường, thực hiện chất lượng và hiệu quả giáo dục”. 
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 35 uỷ viên. Đồng chí Hoàng Mạnh Phú làm Thư ký, các đồng chí Hà Đức Thắng, Nguyễn Thị Tú Anh làm Phó Thư ký

XI. ĐẠI HỘI LẦN THỨ X CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VIỆT NAM (TỪ 20/4 ĐẾN 22/4/1993)


Đại hội lần thứ X Công đoàn Giáo dục và Đào tạo Việt Nam được tổ chức từ ngày 20/4 đến ngày 22/4/1993 tại Nhà khách Chính phủ (37 Hùng Vương, Hà Nội). 350 đại biểu đại diện cho 80 vạn đoàn viên đoàn viên công đoàn ngành giáo dục – đào tạo đã về dự Đại hội.

Đại hội đã đề ra mục tiêu là: “Vì lợi ích và vị trí xã hội của giáo giới và những người lao động trong ngành; vì sự đổi mới, ổn định phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn” và nhiệm vụ tổng quát trong nhiệm kỳ là: “Tập trung vào công tác chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của GV – CB – CNV; tích cực xây dựng đội ngũ, tham gia vào quá trình đổi mới, ổn định và phát triển giáo dục – đào tạo, đáp ứng yêu cầu kinh tế – xã hội của đất nước; mở rộng dân chủ hoá nhà trường và xã hội hoá giáo dục; xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, đảm bảo tính độc lập, tự chủ và xứng đáng là người đại diện cho tiếng nói, lợi ích đoàn viên và lao động trong ngành”.

Đại hội nhất trí đổi tên Công đoàn Giáo dục và Đào tạo Việt Nam thành Công đoàn Giáo dục Việt Nam. 
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 41 uỷ viên. Đồng chí Nguyễn Mậu Bành được bầu làm Chủ tịch; đồng chí Phạm Trung Thanh và đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Quyên được bầu làm Phó Chủ tịch. 
Do điều kiện công tác, hội nghị lần thứ ba BCH CĐGDVN (tháng 3/1994) đã bầu đồng chí Nguyễn Thanh Phong làm Phó Chủ tịch, đồng chí Phạm Trung Thanh tiếp tục tham gia Ban Thường vụ CĐGDVN.

XII. ĐẠI HỘI LẦN THỨ XI CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM


Đại hội lần thứ XI Công đoàn Giáo dục Việt Nam được tổ chức từ ngày 23/7 đến 25/7/1998 tại hội trường Ba Đình, Hà Nội với sự tham gia của 349 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 80 vạn đoàn viên và lao động trong ngành.

Đại hội đã đề ra nhiệm vụ tổng quát là: “Hoạt động Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong thời kỳ này hướng tập trung vào chăm lo xây dựng đội ngũ, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và lao động trong ngành, đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất tốt đẹp của Nhà giáo Việt Nam cho CB – GV – CNV. Nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Hai tốt” và các cuộc vận động, các phong trào quần chúng rộng lớn trong ngành nhằm phát huy tiềm năng lao động sáng tạo của đội ngũ và sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu, nội dung giáo dục – đào tạo theo tinh thần NQ Đại hội Đảng VIII và chiến lược giáo dục trong thời kỳ CNH – HĐH đất nước. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động công đoàn; khẳng định hệ thống 4 cấp của Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong tổ chức Công đoàn Việt Nam; xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, xứng đáng là người đại diện cho tiếng nói và lợi ích của đoàn viên và lao động trong ngành”.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 41 uỷ viên. Đồng chí Lê Hồng Sơn được bầu làm Chủ tịch; các đồng chí Nguyễn Thanh Phong, Lương Tất Thuỳ, Nguyễn Thị Lan Anh làm Phó chủ tịch.

XIII. ĐẠI HỘI LẦN THỨ XII CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM


Đại hội lần thứ XII Công đoàn Giáo dục Việt Nam họp từ ngày 25/4 đến 26/4/2003 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội, với sự tham gia của 350 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 90 vạn đoàn viên và lao động trong cả nước. Đại hội đã được đón tiếp và nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo 
Đại hội đã đề ra mục tiêu hoạt động công đoàn Giáo dục Việt Nam trong nhiệm kỳ là: “Vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quýôc Việt Nam XHCN; Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn; Vì yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, vì lợi ích và vị trí xã hội của nhà giáo và những người lao động trong ngành; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp, tác phong hoạt động công đoàn góp phần cùng với ngành tạo ra bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, hướng tới một xã hội học tập, phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, phấn đấu đưa nền giáo dục nước ta thoát khỏi tình trạng tụt hậu so với các nước phát triển trong khu vực; Phát triển giáo dục đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Categorised in: