Phương pháp tự học môn Hóa
Để học tốt môn Hóa học cần nắm vững bản chất hiện tượng hóa học, nắm vững các kiến thức cơ bản đã được học, vận dụng tối ưu các kiến thức cơ bản để giải quyết một hay nhiều vấn đề mới. Tuy nhiên, trong quá trình học môn Hóa thì hầu hết các em đều gặp khó khăn, không tìm được phương pháp học tập thích hợp với đặc điểm bộ môn. Qua đây, tôi xin trình bày một số phương pháp hướng dẫn các em tự học để đạt kết quả cao hơn trong việc học nói chung và học môn hóa nói riêng.
Tăng cường tính tích cực phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh trong quá trình học tập là một yêu cầu rất cần thiết, đòi hỏi người học tích cực, tự lực tham gia sáng tạo trong quá trình nhận thức. Đặc điểm của bộ môn Hóa là mang tính thực nghiệm cả về định tính và định lượng. Khái niệm hóa học luôn trừu tượng, khó hiểu, không quan sát bằng mắt thường được (như nguyên tử, phân tử, electron, proton …). Bộ môn Hóa còn kết hợp các kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng quan sát, tổng hợp, phân tích, đánh giá, suy luận; kỹ năng vận dụng kiến thức vào bài tập; kỹ năng tính toán. Ngoài ra hệ thống kiến thức về lý thuyết và hệ thống bài tập Hoá học giữ một vị trí và vai trò rất quan trọng trong việc dạy và học Hoá học ở trường phổ thông nói chung, đặc biệt là ở trường THPT nói riêng.
Bộ môn Hoá học ở phổ thông có mục đích trang bị cho học sinh hệ thống kiến thức cơ bản, bao gồm các kiến thức về cấu tạo chất, phân loại chất và tính chất của chúng. Học tốt môn hóa giúp các em giải thích được các hiện tượng trong cuộc sống. Việc nắm vững các kiến thức cơ bản góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc phổ thông, chuẩn bị cho học sinh tham gia các hoạt đông sản xuất và các hoạt động sau này.
Để học tốt môn Hóa học cần nắm vững bản chất hiện tượng hóa học, nắm vững các kiến thức cơ bản đã được học, vận dụng tối ưu các kiến thức cơ bản để giải quyết một hay nhiều vấn đề mới. Tuy nhiên, trong quá trình học môn Hóa thì hầu hết các em đều gặp khó khăn, không tìm được phương pháp học tập thích hợp với đặc điểm bộ môn. Qua đây, tôi xin trình bày một số phương pháp hướng dẫn các em tự học để đạt kết quả cao hơn trong việc học nói chung và học môn hóa nói riêng.
A. NHỮNG KIẾN THỨC HỌC SINH THƯỜNG SAI:
1. Không thuộc hóa trị của các nguyên tố dẫn đến việc viết sai công thức hóa học của các chất.
2. Không thuộc tính chất hóa học nên viết sai phương trình hóa học dẫn đến việc giải các bài tập có liên quan sai như viết phương trình thực hiện chuỗi biến hóa, nhận biết các chất …
3. Không thuộc các công thức tính toán.
4. Không nắm được các bước giải bài toán tính theo phương trình hóa học.
5. Đổi đơn vị, đổi mol sai.
6. Hay nhầm lẫn giữa tính % khối lượng và C%, thể tích dung dịch và thể tích chất khí ở điều kiện tiêu chuẩn.
B. NHỮNG KIẾN THỨC CẦN NẮM CỦA MÔN HÓA:
Vậy để khắc phục những cái sai này chỉ có một cách là các em phải tự giác trong việc học, phải tự lực chiếm lĩnh các tri thức đó thì mới mong đạt được những kết quả như ý muốn về bộ môn này.
Vậy, để học tốt môn Hóa, các em cần nắm vững những yếu tố sau:
1. Hóa trị, công thức các chất, phân loại các chất
Hóa trị của các nguyên tố là một điều quan trọng trong bộ môn Hóa. Nếu không thuộc hóa trị thì các em viết công thức hóa học sai dẫn đến việc viết PTHH sai, làm sai các bài tập. Do đó các em cần phải học thuộc hóa trị các chất, biết lập công thức hóa học. Các em có thể học hóa trị dựa vào bài ca hóa trị.
2. Phương trình hoá học
Đây có thể nói là thứ làm nên môn hoá. HS không biết phương trình là gì, không đoán được sản phẩm. Cùng một phản ứng với điều kiện khác nhau tạo ra sản phẩm khác nhau. HS cảm thấy nó phiền phức và không muốn học? Đó chính là một trong những lý do các em học không tốt bộ môn. Các em phải biết môn hoá không giống toán. Nếu các em nghĩ lý thuyết môn hoá là không cần thiết thì đó là một suy nghĩ sai lầm. Và các phản ứng sẽ chứng tỏ điều đó. Việc các em không nắm rõ các phản ứng hóa học là yếu tố quyết định khoảng 50% kết quả môn hoá.
Tuy nhiên không phải là cứ cầm cuốn sách và học vẹt các phương trình như HCl + NaOH → NaCl + H2O là các em thuộc bài. Các em nên học bằng cách tổng quát những chất có cùng tính chất hóa học đó.
Ví dụ: Với PTHH trên có thể thay bằng Axit + Bazơ → Muối + H2O. Sau khi đã thuộc tính chất chung này rồi thì các em có thể học được rất nhiều PTHH tương tự như thế, có thể dự đoán được sản phẩm tạo thành của các phản ứng.
Đối với những phương trình nào có các điều kiện khác nhau, tạo sản phẩm khác nhau thì các em nên lấy sổ tay, hoặc các tờ giấy A4 ra và viết chúng lên đó, khi nào cần có thể lấy ra xem. Tổng hợp kiến thức là một điều cực kỳ quan trọng.
3. Các công thức tính toán
Đối với các môn tự nhiên công thức là một phần không thể thiếu. Nếu các em không thuộc thì GV không có cách nào giúp được.
Ví dụ: trong biểu thức tính C% = khối lượng chất tan x 100% / khối lượng dung dịch. Có nhiều HS vẫn chưa biết khối lượng dung dịch tính như thế nào. Mặc dù chỉ đơn giản là khối lượng dung dịch = tổng khối lượng chất tham gia – khối lượng kết tủa (nếu có) – khối lượng khí thoát ra (nếu có)
Rõ ràng HS biết công thức tính, nhưng lại không thể áp dụng được nó. Đó cũng chính là một trong những lý do khiến HS không thể đạt điểm cao được.
Để học thuộc các công thức tính toán thì các em nên viết vào sổ tay, áp dụng các công thức này vào việc giải một số bài toán. Qua một số bài tập thì các em có thể hiểu được các trường hợp áp dụng và thuộc được công thức.
4. Các dạng bài tập
Đối với môn hoá thì có các dạng bài tập chủ yếu như: Viết phương trình thực hiện chuỗi phản ứng, nhận biết và giải thích hiện tượng, giải các bài toán.
Với mỗi dạng bài tập các em cần rèn luyện kỹ năng khác nhau:
* Viết chuỗi phản ứng:
– Cần nắm vững tính chất hoa học của từng chất và điều kiện để phản ứng xảy ra.
– Những phương trình ngoại lệ thì bắt buộc phải học thuộc.
– Chú ý điều kiện phản ứng xảy ra là:
+ Có kết tủa
+ Có bay hơi
+ Tạo thành nước hoặc chất điện ly yếu.
* Nhận biết và giải thích hiện tượng:
– Thuộc tính chất vật lí. Ví dụ: BaSO4 không tan, màu trắng.
– Thuộc tính chất hoá học đặc trưng của chất đó. Ví dụ: BaSO4 không tan trong axit.
Vd: Cho NaOH vào AlCl3. Hiện tượng xảy ra là xuất hiện kết tủa trắng (tính chất vật lý) sau đó tan dần (nếu dư NaOH).
* Giải toán:
– Chỉ có cách là làm nhiều bài tập, phân dạng các bài tập. Và cứ mỗi lần làm sai các em hãy nhìn kỹ tại sao mình sai. Và rút ra bài học sau mỗi lần sai đó.
5. Các phương pháp giải nhanh.
Môn hóa là một trong những môn thi trắc nghiệm trong các kì thi tốt nghiệm, cao đẳng, đại học thì kỹ năng áp dụng thành thạo phương pháp giải nhanh là không thể thiếu. Nếu nghĩ rằng chỉ cần giỏi trong việc viết phương trình để giải toán là được thì các em sẽ mất rất nhiều thời gian.
Các phương pháp giải nhanh ban đầu các em có thể thấy hơi lạ lẫm nhưng chỉ cần rèn luyện qua việc giải bài tập, phân tích bài toán, dần dần nó trở thành một thói quen và các em sẽ nhận ra khi nào áp dụng phương pháp nào. Cái vấn đề quan trọng nhất vẫn là thời gian và lòng quyết tâm của các em.
6. Đam mê
Các em có thể học tốt bất cứ môn học nào chỉ cần có đam mê. Khi các em yêu thích, đam mê bộ môn thì các em sẽ dần tìm ra được các phương pháp tự học phù hợp với bản thân.
Phương pháp học thì có rất nhiều, nhưng ngay từ bây giờ các em hãy vạch ra một phương pháp để tự áp dụng đối với bản thân mình. Trên đây chỉ là một vài kinh nghiệm nhỏ được đúc kết trong quá trình học tập và công tác để giúp các em tham khảo về phương pháp tự học môn Hóa có hiệu quả hơn và hãy học với thông điệp này: “Điều tôi nghe tôi quên. Điều tôi nhìn tôi nhớ. Điều tôi làm tôi hiểu”.
– ĐTHV –
25/11/2015
Categorised in: Chưa được phân loại