BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ LỊCH SỬ THÀNH LẬP

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10

 

Lịch sử bốn nghìn năm hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam là lịch sử của quá trình đấu tranh bền bỉ, dẻo dai, “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” để dựng nước và dũng cảm, kiên cường chống giặc ngoại xâm để giữ nước. Chính trong điều kiện lịch sử văn hóa ấy, con người Việt Nam đã hình thành những phẩm chất tốt đẹp. Với thiên chức làm mẹ, người phụ nữ vừa góp phần to lớn hình thành nên các phẩm chất đạo đức của dân tộc, vừa ra sức bảo tồn, trao truyền, phát huy phẩm chất đạo đức qua các thế hệ. Và cũng từ đó, kết tinh nên những phẩm chất đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam: Đảm đang;Yêu nước, trung thành với Tổ quốc; Nhân ái, nghĩa tình; Thủy chung và Đức hy sinh…

Phụ nữ Việt Nam vốn sinh ra trong một đất nước với nền văn minh nông nghiệp, dựa trên nền tảng nghề trồng lúa nước và thủ công nghiệp, nên phụ nữ Việt Nam đã trở thành lực lượng lao động chính. Đất nước ta luôn bị kẻ thù xâm lược, đời sống nghèo khổ. Từ thực tế đó mà người phụ nữ Việt Nam có bản sắc và phong cách riêng: Là những chiến sĩ chống giặc ngoại xâm kiên cường dũng cảm, là những người lao động trí óc và lao động chân tay cần cù, sáng tạo, thông minh, người nghệ sĩ bảo vệ, giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hóa dân tộc, là người chủ gia đình: dịu hiền, đảm đang, trung hậu, người sản sinh ra những thế hệ anh hùng của một dân tộc anh hùng.

Nhưng dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi với cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, còn nhiều phụ nữ nổi tiếng khác tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai,…

Vào những năm 1927-1930, những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo các tầng lớp như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ như : Phụ nữ phản đế, Đồng minh phụ nữ hiệp hội, Hội phụ nữ giải phóng,…

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến phụ nữ Việt Nam và vấn đề giải phóng phụ nữ. Người đã nhìn nhận, đánh giá cao những truyền thống quý báu của phụ nữ Việt Nam, ghi nhận những đóng góp của phụ nữ Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc: Phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước. Từ ngày hoà bình trở lại, nước ta tạm bị chia cắt làm hai miền. Chị em miền Nam đang bền bỉ đấu tranh chống ách thống trị dã man của Mỹ – Diệm. Ở miền Bắc hoàn toàn giải phóng, chị em phụ nữ đều phấn khởi thi đua tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, công tác và học tập đều tiến bộ khá… Bác đã dành cho phụ nữ Việt Nam những lời khen tặng quý báu: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ “nói phụ nữ là nói phân nữa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nữa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng CNXH chỉ một nữa”. Chính vì vậy mà vào ngày 20/10/1930, Hội phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này nói lên quan điểm của Đảng ta đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Trải qua các thời kỳ cách mạng có các tổ chức phụ nữ như Hội phụ nữ giải phóng (1930-1931), Hội phụ nữ dân chủ (1936-1939), Hội phụ nữ phản đế (1939-1941), Đòan phụ nữ cứu quốc (16/6/1941), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1946), Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (6/1976- khi nước nhà thống nhất). Dù tên gọi có nhiều thay đổi cho phù hợp với từng giai đọan cách mạng, nhưng trước sau vẫn là tổ chức kiên trung của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.  

    Ngày nay, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong bối cảnh đó, người phụ nữ Việt Nam vừa tiếp tục kế thừa, phát huy những truyền thống đạo đức quý báu, tốt đẹp mà các thế hệ trước để lại, mặt khác không ngừng hình thành, phát triển những phẩm chất tiên tiến phù hợp với các yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước từng bước góp phần tạo dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại với 4 phẩm chất: Tự tin, tự trọng, trung hậu và đảm đang.

Cuối cùng, nhân dịp kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10/1930 – 20/10/2016, tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến toàn thể nữ cán bộ, nhân viên, giáo viên cùng tất cả các em học sinh nữ trong nhà trường.

Người viết

 

Trần Thị Ngọc Hòa

Categorised in: