“Lịch sử như một câu chuyện dài với nhiều sự kiện, nhiều chương, hồi được liên kết logic với nhau theo trật tự thời gian và luôn có mối quan hệ nhân quả. Lịch sử đem lại cho chúng ta những suy ngẫm rất quý giá về cuộc sống. Nếu hiểu được điều ấy và biết học Sử một cách có phương pháp, các em học sinh sẽ không còn thấy đây là một môn học khô khan nữa”

Nội dung chương trình lịch sử Việt Nam lớp 12 bắt đầu từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất và kết thúc vào năm 2000. Nội dung chương trình lịch sử thế giới bắt đầu từ sự kiện chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc năm 1945 kéo dài cho đến năm 2000. Đây là khối lượng kiến thức Lịch sử rất lớn mà các em học sinh phải nắm được trong một khoảng thời gian ôn thi rất ngắn. Vì vậy, chúng ta phải biết cách học và cách làm bài thi thì mới có kết quả tốt. Sau đây là những kinh nghiệm của cá nhân tôi rút ra sau nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy môn Lịch sử cho nhiều đối tượng học sinh, sinh viên, học viên.

Thứ nhất, học sinh phải có cái nhìn tổng thể về lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới trong chương trình ôn thi đại học. Khi học, yêu cầu đầu tiên là các em phải có phương pháp phân kì lịch sử, phải vẽ được bức tranh lịch sử gồm nhiều giai đoạn với tên gọi và những đặc điểm riêng của từng giai đoạn. Tiếp đó, với mỗi giai đoạn, các em lại đi sâu nắm những nội dung và sự kiện chính, có ý nghĩa quan trọng. Nếu không làm tốt được điều này ngay từ lúc bắt đầu học thì học sinh dễ rơi vào “mê cung” những sự kiện, nội dung chồng chéo mà không định vị được vị trí từng nội dung, từng sự kiện nằm trong giai đoạn nào của lịch sử Việt Nam.

* Ví dụ, theo tôi, tổng quan Lịch sử Việt Nam từ 1919-2000 có thể được phân kì thành 5 giai đoạn lớn:

– Giai đoạn 1919-1930: thời kì vận động thành lập Đảng.

– Giai đoạn 1930-1945: đấu tranh giành chính quyền.

– Gian đoạn 1945-1954: bảo vệ chính quyền và tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

– Giai đoạn 1954-1975: Cách mạng XHCN miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

– Giai đoạn 1975 đến năm 2000.

* Ở cấp độ thứ hai, trong từng giai đoạn, chúng ta lại phải xác định các nội dung chính. Ví dụ: trong giai đoạn 1919-1930 không được quên các nội dung sau:

– Chính sách khai thác thuộc địa lần thứ II của thực dân Pháp

– Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam

– Phong trào yêu nước theo khuynh hướng vô sản gắn liền với vai trò của Nguyễn Ái Quốc.

– Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng.

* Ở cấp độ thứ 3, khi triển khai nội dung về phong trào yêu nước của giai cấp vô sản gắn với vai trò của Nguyễn Ái Quốc, cần nắm các nội dung sau:

– Hoàn cảnh tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc.

– Quá trình đi tìm đường (1911-1920).

– Quá trình chuẩn bị về chính trị tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng (1921-1929).

Nếu nắm vấn đề theo “cây” sơ đồ như trên sẽ rất dễ hiểu, dễ học, dễ nhớ. Nhưng trên thực tế, rất nhiều học sinh lại học theo hướng “từ dưới lên”, tức là học từ các sự kiện và từng giai đoạn cụ thể mà không có cái nhìn tổng thể và móc xích chúng lại với nhau.

Các sự kiện lịch sử thường có liên quan logic với nhau, sự kiện này là nguyên nhân dẫn đến sự kiện kia. Nếu chúng ta hiểu quy luật này thì học Lịch sử rất dễ.

Thứ hai, lịch sử là một dòng chảy với những sự kiện liên tục, diễn ra theo trình tự thời gian. Các sự kiện lịch sử thường có liên quan logic với nhau, sự kiện này là nguyên nhân dẫn đến sự kiện kia. Nếu chúng ta hiểu quy luật này thì học Lịch sử rất dễ. Còn nếu học kiểu nhảy cóc, học vẹt, thiếu sự liên kết thì rất khó nhớ.

* Ví dụ: Tại sao có sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam? Là do công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp làm xuất hiện các giai cấp trong xã hội Việt Nam. Không chịu được ách áp bức bóc lột, các giai cấp lần lượt đứng lên chống lại thực dân Pháp. Xuất hiện phong trào đấu tranh yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản nhưng phong trào này nhanh chóng thất bại. Tiếp đó, ngọn cở đấu tranh thuộc về giai cấp vô sản. Và sau khi giai cấp vô sản xác định được sứ mệnh của mình rồi thì có nhu cầu xuất hiện một tổ chức chính trị của giai cấp vô sản. Từ đó dẫn đến sự ra đời của nhiều tổ chức khác nhau như: Đông dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn và cuối cùng là hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ấy để thành lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.

Thứ ba, với mỗi nội dung học, học sinh phải nắm được những sự kiện chính và trả lời được các câu hỏi: diễn ra ở đâu, thời gian nào, diễn ra làm sao và ý nghĩa của sự kiện như thế nào?

* Ví dụ: đề thi hỏi về chiến dịch Biên giới năm 1950, các em phải bám sát và trả lời được các câu hỏi: âm mưu thủ đoạn của địch là gì? chủ trương kế hoạch của ta? diễn biến, kết quả và ý nghĩa?

Thứ tư, rất nhiều người nghĩ học Lịch sử chỉ đơn thuần là học thuộc, đó là một quan niệm sai lầm. Học thuộc nhưng phải trên cơ sở quan trọng là phải hiểu, phải xâu chuỗi được các sự kiện thành một câu chuyện lịch sử, có trình tự, có nguyên nhân – kết quả thoả đáng, có giá trị và ý nghĩa trong tiến trình lịch sử nói riêng và trong cuộc sống nói chung, khi ấy bạn sẽ thấy câu chuyện lịch sử ấy rất hấp dẫn.

Thứ năm, học sinh phải vẽ được sơ đồ của từng giai đoạn lịch sử, sau đó mới triển khai các nội dung chi tiết. Học Sử phải chú ý phương pháp đồng đại: trình bày một sự kiện nhưng đặt nó trong bối cảnh trong nước và quốc tế như thế nào? Các nội dung học phải được hệ thống thành các ý chi tiết, làm được điều này, sẽ giúp học sinh ăn điểm khi làm bài thi.

* Ví dụ: đề thi hỏi về vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với sự thành lập Đảng? Học sinh cần xây dựng được đề cương sau: hoàn cảnh trong nước và thế giới; quá trình tìm đường; quá trình chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức…

Thứ sáu, khi ôn thi Lịch sử cần phải viết ra giấy. Với mỗi nội dung ôn tập cần được chi tiết hoá theo kiểu sơ đồ như đã nói ở trên, xem có bao nhiêu ý, có bao nhiêu sự kiện quan trọng cần nắm. Nếu học sinh hiểu bài, viết ra được các ý và nhớ các sự kiện theo trình tự, logic, móc xích thì sẽ không bao giờ quên bài. Tránh học theo kiểu chỉ ôm sách đọc lơ mơ, gây cảm giác mệt mỏi, chán nản, kém hứng thú.

Khi tìm đọc sách tham khảo phải chú ý xem nguồn gốc của sách vì hiện có nhiều sách có nội dung rất xa với kiến thức trong sách giáo khoa, chưa kể những cuốn sách Lịch sử viết chất lượng không tốt. Học sinh chỉ nên dùng sách tham khảo với các kiến thức nâng cao trên cơ sở đã nắm vững được kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Nếu không thì việc đọc sách tham khảo cũng không có hiệu quả, chỉ làm phân tâm và rối trí thêm.

Học xong, các em phải kiểm tra tính hệ thống của toàn bộ nội dung đã học bằng cách viết ra theo hệ thống cây thư mục, xem thử bức tranh lịch sử có đoạn nào bị “khuyết” không, nếu có tức là còn nội dung mà mình nắm chưa vững, cần bổ sung vào.

Điều đặc biệt cần ghi nhớ là tất cả những nội dung đã được đưa vào sách giáo khoa đều quan trọng như nhau, các em cần phải nắm chắc. Bỏ bất kì một nội dung nào cũng đều làm kiến thức của các em bị thiếu hụt, dẫn đến nhận thức vấn đề không chắc. Hiện nay, ngay cả nhiều giáo viên khi dạy cho học sinh cũng vô tình khuyến khích các em học “tủ” khi cho rằng: nội dung nào thi năm ngoái rồi thì năm nay sẽ không ra đề nữa, điều đó là không nên.

* Ví dụ: không học nội dung về xây dựng CNXH ở miền Bắc thì làm sao hiểu là miền Bắc đã hậu thuẫn vững chắc, là nhân tố quan trọng cho chiến thắng của cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ?

Khi tìm đọc sách tham khảo phải chú ý xem nguồn gốc của sách vì hiện có nhiều sách có nội dung rất xa với kiến thức trong sách giáo khoa, chưa kể những cuốn sách Lịch sử viết chất lượng không tốt.

TMD(ST)

 

Categorised in: