6 nhóm giải pháp để kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tốt hơn đã được đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2018 mở rộng do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 17/9, với sự tham dự của các thành viên Ban chỉ đạo và giám đốc 63 Sở GD-ĐT.
Cuộc họp nhằm đánh giá lại kỳ thi năm 2018 và đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện kỳ thi năm 2019.
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam cho rằng, khâu vô cùng quan trọng là đề thi và cần đầu tư thêm vào ngân hàng đề để làm sao sự phân hóa của đề đạt mong muốn.
Theo ông Quốc, nên tách mỗi môn thi trong bài thi tổ hợp là một phiếu trả lời trắc nghiệm.
“Điều này nhằm giúp người làm công tác coi thi có thể quản lý phiếu trả lời trắc nghiệm tốt hơn; tránh thí sinh sau giờ nghỉ giữa 2 môn thi có thể hỏi các bạn và điều chỉnh. Trong phiếu trả lời trắc nghiệm nên làm phách, để khi xử lý phiếu trắc nghiệm họ sẽ không biết bài thi của thí sinh nào, từ đó bảo đảm độ bảo mật”.
Ông nói thêm: “Tôi có cảm giác 2 năm vừa rồi, việc bố trí cán bộ làm công tác thi ở địa phương không được một số trường ĐH, CĐ quan tâm đúng mức. Nhiều trường không cử giảng viên mà cử nhân viên làm nhiệm vụ coi thi”.
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho rằng, để có một kỳ thi tốt quan trọng nhất vẫn là chỉ đạo sát sao của người đứng đầu ngành giáo dục địa phương.
Bà Hằng đề xuất trước hết cần hoàn thiện ngân hàng đề thi. “Về khâu coi thi, mỗi điểm thi nên có ít nhất có 3 trường, trong đó có trường ĐH của trung ương, địa phương, trường THPT để giảng viên, giáo viên khi làm nhiệm vụ coi thi có sự kiểm tra giám sát lẫn nhau, tránh chủ quan”.
Theo bà Hằng, khâu làm phách trong bài thi trắc nghiệm nên nghiên cứu để có thể mã hóa.
“Khâu chấm quan trọng nhưng dù thế nào cũng là do con người. Nếu quy trình không xác định rõ nhận thức của người làm thi thì cũng sẽ nảy sinh tiêu cực. Nên điều quan trọng là trước kì thi diễn ra, phải quán triệt các quy chế, đặc biệt cho cán bộ làm thi, để làm sao không có sự tiêu cực ở trong mỗi khâu”.
Bà Hằng cho rằng, không nhất thiết phải đổi chấm chéo giữa các địa phương mà quan trọng là việc giám sát thực hiện.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng góp ý không nhất thiết phải đưa tất cả các bộ môn tổ hợp vào một phiếu trắc nghiệm. “Phần này cũng gây nên phiền toái cho giám thị giám sát. Đồng thời là kẽ hở cho thí sinh. Như vậy với mỗi môn thi có thể tách riêng thành một phiếu trả lời trắc nghiệm, sau đó tiến hành niêm phong để tiếp tục môn khác. Như vậy sẽ tạo thoải mái hơn cho giám thị và tăng tính nghiêm túc”.
“Đối với đội ngũ thanh tra ủy quyền của Bộ, trong đó có thành viên từ trường ĐH, theo tôi cần phải tiếp tục nâng cao về nghiệp vụ, đặc biệt là ý thức trách nhiệm”.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long đề xuất: “Nên thành lập tổ chấm thi trắc nghiệm liên tỉnh hoặc khu vực”.
Theo bà Thanh, cần cải tiến ở một số khâu còn hạn chế được phát hiện như phần mềm chấm trắc nghiệm, quy định bộ phận nhập điểm và kiểm dò điểm sau khi nhập.
Sẽ tăng cường giải pháp kỹ thuật để muốn gian lận cũng không được
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết Bộ quan tâm tới đề xuất một số phương hướng cho năm 2019 và năm 2020 như sau:
“Thứ nhất, rà soát toàn bộ quy trình tổ chức, hoàn thiện quy chế thi và hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn. Xác định rõ trách nhiệm của những người tham gia kỳ thi. Cụ thể hóa hơn nữa các chế tài xử lý với các sai phạm trong kỳ thi.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện ngân hàng câu hỏi, cải tiến quy trình ra đề thi để nâng cao chất lượng đề đảm bảo phù hợp hơn với thời gian làm bài của thí sinh, đáp ứng tốt hơn mục tiêu của kỳ thi.
Thứ ba, cải tiến, điều chỉnh các khâu về kỹ thuật trong tổ chức thi; nhất là hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường bảo mật và hỗ trợ tốt cho việc phát hiện, phòng ngừa các sai phạm trong chấm thi để hạn chế gian lận, tiêu cực.
Thứ tư, cải tiến phương thức tổ chức coi thi, chấm thi theo hướng tăng cường khách quan, nghiêm túc ở tất cả các khâu; tăng cường ứng dụng công nghệ trong chấm thi. Xem xét tổ chức chấm thi đảm bảo nguyên tắc giáo viên không chấm bài thi học sinh tỉnh mình (chẳng hạn tổ chức chấm thi theo cụm).
Thứ năm, chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia các khâu của kỳ thi, nhất là các khâu trọng yếu như đề thi, coi thi, chấm thi. Đồng thời, tăng cường chất lượng, hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức thi, cán bộ thanh tra, giám sát.
Thứ sáu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra, giám sát tại các Hội đồng thi”.
Về đề xuất chấm chéo giữa các địa phương, ông Trinh nói sẽ “xem xét một cách cẩn trọng”.
“Những điều chỉnh nếu có chỉ tập trung vào người tổ chức thi, còn phía học sinh thì căn bản là ổn định, không thay đổi. Do đó các thí sinh có thể yên tâm học tập. Chúng tôi sẽ ban hành quy chế, hướng dẫn trong thời gian sớm nhất. Thời gian thi cố gắng giữ ổn định để các Sở GD-ĐT chủ động trong kế hoạch năm học”
Thanh Hùng
link: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/6-giai-phap-doi-moi-trong-to-chuc-thi-thpt-quoc-gia-nam-2019-477340.html
Categorised in: TIẾNG ANH, Tin tức - Thông báo