Chiếc hộp tình yêu
Có một người cha đã trách phạt đứa con gái 3 tuổi của mình vì tội lãng phí cả một cuộn giấy gói quà màu vàng.Tiền bạc eo hẹp, người cha nổi giận khi đứa bé cắt cuộn giấy quý ra thành từng mảnh nhỏ trang trí một cái hộp giấy.
Sáng sớm hôm sau, đứa con gái nhỏ vẫn mang hộp quà đến nói với cha:“Con tặng bố!”. Người cha cảm thấy bối rối vì cơn giận dữ của mình tối hôm trước nhưng rồi cơn giận dữ lại bùng lên khi ông mở ra, thấy cái hộp trống rỗng. Ông mắng con gái: “Bộ con không biết là khi tặng quà cho người nào thì trong hộp phải có một cái gì chứ?”.
Đứa con gái nhỏ ngước nhìn cha, nước mắt rưng rưng, thưa: “Bố ơi, đó đâu phải là cái hộp rỗng, con đã thổi đầy những nụ hôn vào hộp để tặng bố mà!”. Người cha giật mình. Ông vòng tay ôm lấy đứa con gái nhỏ cầu xin con tha thứ.
Đứa con gái nhỏ, sau đấy không bao lâu, qua đời trong một tai nạn. Nhiều năm sau, người cha vẫn khư khư giữ cái hộp giấy bên mình, mỗi khi gặp chuyện nản lòng, ông lấy ra một nụ hôn tưởng tượng và nghĩ đến tình yêu mà đứa con gái bé bỏng của ông đã thổi vào chiếc hộp.
Trong đời sống, chúng ta đã và sẽ nhận được những chiếc hộp quý giá chứa đầy tình yêu và những nụ hôn vô tư từ con cái của chúng ta, từ bạn bè, gia đình và từ thượng đế. Trên đời này, chúng ta không thể có được tài sản nào quý giá hơn những chiếc hộp chứa đầy tình yêu vô tư như thế.
2. Người cha được tạo ra như thế nào?
Khi ông Trời bắt đầu tạo ra người cha đầu tiên trên thế gian, ngài chuẩn bị sẵn một cái khung thật cao. Một nữ thần đi ngang qua ghé mắt coi và thắc mắc: “Thưa ngài, tại sao người cha lại cao đến như vậy? Nếu ông ta đi chơi bi với trẻ con thì phải quỳ gối, nếu ông ấy muốn hôn những đứa con mình lại phải cúi nguời. Thật bất tiện!”. Trời trầm ngâm một chút rồi gật gù: “Ngươi nói có lý. Thế nhưng nếu ta để cho người cha chỉ cao bằng những đứa con, thì lũ trẻ sẽ biết lấy ai làm tầm cao mà vươn tới?”.
Thấy Trời nặn đôi bàn tay người cha to và thô ráp, vị nữ thần lại lắc đầu buồn rầu: “Ngài có biết đang làm gì không? Những bàn tay to lớn thường vụng về. Với đôi bàn tay ấy, người cha chật vật lắm mới có thể găm kim băng đóng tã, cài nút áo cho con trai, thắt chiếc nơ hồng cho con gái. Bàn tay ấy không đủ khéo léo để lấy những mảnh dằm nằm sâu trong da thịt mềm mại của trẻ”. Ông Trời mỉm cuời đáp: “Nhưng đôi bàn tay to lớn vững chãi đó sẽ dìu dắt bọn trẻ qua mọi sóng gió, cho tới lúc chúng trưởng thành”.
Vị nữ thần đứng bên cạnh nhìn Trời nặn người cha với một đôi vai rộng, lực luỡng. “Tại sao ngài phí thế?”, nữ thần thắc mắc. “Thế người cha sẽ đặt con ngồi đâu khi phải đưa nó đi xa? Lấy chỗ đâu cho đứa con ngủ gật gối đầu, khi đi xem xiếc về khuya?”. “Quan trọng hơn, đôi vai đó sẽ gánh vác cả gia đình”, ông Trời đáp.
Ông Trời thức trắng đêm để nặn cho xong người cha đầu tiên. Ngài cho tạo vật mới ít nói, nhưng mỗi lời phát ra là một lời quyết đoán. Tuy đôi mắt của người cha nhìn thấu mọi việc trên đời, nhưng lại bình tĩnh và bao dung. Cuối cùng khi đã gần như hoàn tất công việc, Trời thêm vào khóe mắt người cha vài giọt nuớc mắt. Nhưng sau một thoáng tư lự, Ngài lại chùi chúng đi. Thành ra người đời sau không mấy khi thấy được những giọt lệ hiếm hoi của người cha, mà chỉ có thể cảm và đoán được rằng ông ta đang khóc.
3. Tại sao phụ nữ lại khóc?
Một cậu bé hỏi mẹ: – Tại sao mẹ lại khóc?
Người mẹ đáp: – Vì mẹ là một phụ nữ. – Con không hiểu, cậu bé thốt lên.
Người mẹ ôm chặt con và âu yếm: Con không bao giờ hiểu được, nhưng nó là như thế đấy.
Thời gian trôi đi, cậu bé lại hỏi cha: – Sao mẹ lại khóc hả cha?
– Tất cả phụ nữ đều như thế, con yêu ạ – người cha mỉm cười đáp.
Cậu bé lớn dần lên và khi cậu trở thành một người đàn ông nhưng vẫn thường tự hỏi: Tại sao phụ nữ lại khóc Cuối cùng anh tìm đến một nhà hiền triết. Nghe hỏi, nhà hiền triết ôn tồn nói:
Khi Thượng đế tạo ra phụ nữ, người phải làm cho họ thật đặc sắc. Người làm cho đôi vai họ cứng cáp để che chở được cả thế giới, đôi tay họ mát lành để che chở sự yêu thương, và người cho họ một sức mạnh tiềm ẩn để mang nặng đẻ đau.
Người cho họ một sự dũng cảm để nuôi dưỡng và chǎm sóc gia đình, người thân, bạn bè ngay cả những lúc mọi người dường như buông trôi, và dù có nhọc nhằn đến mấy đi nữa họ cũng không bao giờ than thở?.
Người cho họ tình cảm để họ yêu thương con cái ở mọi nghĩa trên đời, ngay cả những lúc con cái họ gây cho họ đau khổ. Người cho họ sức mạnh để chǎm sóc người chồng của họ, tránh vấp ngã vì người tạo dựng họ từ những xương sườn của người đàn ông để bảo vệ trái tim anh ta?
Người cho họ sự khôn ngoan để biết rằng một người chồng tốt sẽ không bao giờ làm tổn thương vợ mình, hiểu rõ sự chịu đựng của người phụ nữ và cô ta luôn thấp thoáng sau mỗi thành công của người chồng.
Để làm được những việc chọc nhằn đó, người cũng cho họ giọt nước mắt để rơi, để họ sử dụng bất cứ lúc nào và đấy là điểm yếu duy nhất của họ. Khi con thấy họ khóc, hãy nói với họ con yêu họ biết bao. Và nếu họ vẫn khóc, con hãy làm trái tim họ được bình yên.
4. Mẹ và con
Phần 1: Những ngày thơ ấu
Lúc con mở mắt chào đời. Mẹ ôm con trong vòng tay. Con cám ơn mẹ bằng những tiếng khóc thét lên.
Lúc con lên1: Mẹ cho con bú mướm và tắm rửa cho con mỗi ngày. Con cám ơn mẹ bằng những tiếng khóc quấy suốt đêm dài.
Lúc con lên 2: Mẹ dắt con chập chững từng bước đi. Con cám ơn mẹ bằng cách bỏ chạy thật xa khi mẹ cất tiếng gọi con.
Lúc con lên 3: Mẹ chăm sóc từng bữa ăn cho con với tất cả tình yêu thương. Con cám ơn mẹ bằng cách hất tung mọi thức ăn xuống sàn.
Lúc con lên 4: Mẹ cho con những cây bút chì màu. Con cám ơn mẹ bằng cách bôi màu lung tung lên bàn ăn.
Lúc con lên 5: Mẹ sửa soạn quần áo thật đẹp cho con đi kỳ nghỉ hè. Con cám ơn mẹ bằng cách nhảy tõm vào vũng bùn đầu tiên con gặp.
Lúc con lên 6: Mẹ nắm tay dắt con đến trường. Con cám ơn mẹ bằng cách hét toáng lên ” Không đi đâu, không đi đâu”.
Lúc con lên 7: Mẹ mua cho con một quả bóng để con chơi đùa. Con cám ơn mẹ bằng cách ném bóng vỡ cửa kính nhà kế bên.
Lúc con lên 8: Mẹ mua cho con một que kem. Con cám ơn mẹ bằng cách để nó chảy nhỏ giọt ướt bẩn cả vạt áo.
Lúc con lên 9: Mẹ mời cô giáo đến nhà dạy dương cầm cho con. Con cám ơn mẹ bằng cách chẳng hề bận tâm đến việc luyện tập.
Lúc con lên 10: Mẹ suốt ngày đưa đón con, từ sân chơi bóng, sàn tập đến những bữa tiệc sinh nhật. Con cám ơn mẹ bằng cách nhảy ra khỏi xe, chẳng bao giờ ngoái lại nhìn mẹ.
Lúc con lên 11: Mẹ dẫn con và lũ bạn nghịch ngợm đi xem chiếu bóng. Con cám ơn mẹ bằng cách đòi ngồi ở dãy nghế khác.
Lúc con lên 12: Mẹ căn dặn con không được xem những bộ phim không phù hợp lứa tuổi. Con cám ơn mẹ bằng cách chờ đến lúc mẹ vắng nhà là xem đến thoả thích
Phần 2: Thời niên thiếu
Khi con 13 tuổi: Mẹ bảo đã đến lúc con phải cắt tóc không được để đầu bù xù như vậy. Con cám ơn mẹ bằng cách bảo rằng Mẹ chẳng biết gì về mode tóc cả.
Khi con 14 tuổi: Mẹ trả tiền cho chuyến đi trại hè một tháng của con. Con cám ơn mẹ bằng cách chẳng hề viết dù chỉ là một lá thư cho mẹ.
Khi con lên 15 tuổi: Mẹ tan sở làm về nhà mong chờ vòng tay ôm chặt của con.Con cám ơn mẹ bằng cách ở lì trong phòng và chốt cửa lại.
Khi con 16 tuổi: Mẹ tập cho con lái chiếc xe của mẹ.Con cám ơn mẹ bằng cách lấy nó đi bất kỳ khi nào con có thể.
Khi con 17 tuổi: Mẹ ngồi đợi một cuộc điện thoại quan trọng.Con cám ơn mẹ bằng cách tám chuyện cùng với chúng bạn trên điện thoại suốt đêm.
Khi con 18 tuổi: Mẹ khóc vì sung sướng trong ngày lễ con tốt nghiệp. Con cám ơn mẹ bằng cách vui chơi cùng chúng bạn trong tiệc chia tay đến tận sáng hôm sau.
Phần 3: Lớn khôn và trưởng thành
Con 19 tuổi: Mẹ đóng học phí cho con vào đại học, chở con đến ký túc xá, mang vác hành lý giúp con. Con cám ơn mẹ bằng cách chào tạm biệt mẹ ở bên ngoài cổng ký túc xá để khỏi phải xấu hổ trước mặt bạn bè.
Con 20 tuổi: Mẹ hỏi han con rằng con đã hẹn hò vơí một ai chưa?Con cám ơn mẹ bằng cách đáp lại rằng ” Chẳng phải việc của mẹ”.
Con 21 tuổi: Mẹ gợi ý một vài công việc cho bước đường tương lai của con.Con cám ơn mẹ bằng cách đáp rằng ” Con chẳng muốn giống như mẹ”.
Con 22 tuổi: Mẹ xúc động ôm chặt con trong ngày lễ con tốt nghiệp đại học. Con cám ơn mẹ bằng lời xin thưởng cho một chuyến du lịch châu âu.
Con 23 tuổi: Mẹ sắm sửa những đồ đạc cho căn hộ đầu tiên của con. Con cám ơn mẹ bằng cách bảo vơí chúng bạn rằng những đồ đạc ấy trông thật xấu xí.
Con 24 tuổi: Mẹ hẹn gặp người bạn sắp cưới của con và hỏi han về những dự định tương lai của hai đứa. Con cám ơn mẹ bằng ánh mắt nhìn giận dỗi và tiếng càu nhàu ” thôi đi mẹ, xin mẹ”.
Con 25 tuổi: Mẹ giúp con trang trải chi phí cho tiệc cưới, rồi mẹ khóc và bảo con mẹ yêu con biết dường nào, Con cám ơn mẹ bằng cách dọn nhà tới tận một vùng đất xa xôi khác của đất nước.
Con 30 tuổi: Mẹ gọi điện thoại dặn dò con vài điều về cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Con cám ơn mẹ bằng lời đáp ” Mẹ ơi, thơì buổi bây giờ đã khác xưa rồi”.
Con 40 tuổi: Mẹ gọi điện nhắc con về ngày sinh nhật của một người họ hàng. Con cám ơn mẹ bằng cách bảo rằng “mẹ ơi thực sự con rất bận”
Con 50 tuổi: Mẹ ngã ốm và cần đến sự chăm sóc của con, con cám ơn mẹ bằng cách đọc những sách vở về gánh nặng của cha mẹ đối vơí con cái.
Rồi một ngày kia mẹ lặng lẽ ra đi. Và mọi điều mà con đã chẳng bao giờ làm vì mẹ đổ ập xuống như một tiếng sét ngang trơì” Gió mùa thu mẹ ru con ngủNăm canh chày thức đủ năm canh”.
Mỗi chúng ta chỉ có một người mẹ, chẳng có gì có thể thay thế được người. Hãy luôn yêu kính mẹ hơn cả chính bản thân bạn, mỗi một phút giây trong cuộc đời bạn. Cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa nếu vắng mẹ. Một khi mẹ ra đi, những gì còn lại trong bạn chỉ là những kỷ niệm dấu yêu về mẹ và những hối tiếc.
TTNH/ngày 7/4/2015 – sưu tầm
Categorised in: Ban tư vấn