KINH NGHIỆM LÀM ĐỀ THI TRẮC NGHIỆM MÔN SINH HỌC

Kinh nghiệm 1: Đọc kỹ đề

Nhiều năm vừa qua đề thi trắc nghiệm môn Sinh thường là đề thi dài nhất trong các môn tự nhiên và thời gian làm bài lại ngắn à chúng ta không coi nhẹ công việc đọc đề bài. Trong rất nhiều câu hỏi môn Sinh học, chỉ cần thay đổi một vài từ trong đề bài, hoặc thậm chí thay đổi thứ tự từ trong câu hỏi là ý nghĩa của các câu hỏi thay đổi hoàn toàn. Nếu đọc đề bài một cách sơ sài, chúng ta không thể nào phát hiện ra nhưng yếu tố khác biệt đó, vì thế sẽ dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc.

Kinh nghiệm 2: Nháp thẳng vào đề thi “nếu có thể”

Có những câu hỏi trong đề chúng ta cần xử lý với lượng thời gian cho phép có thể chỉ được tính trong khoảng thời gia vài chục giây. Vì vậy, các em cần tìm ra con đường ngắn nhất để đi đến đáp án. Sẽ có rất nhiều câu khoảng trống trên tờ đề bài đủ chỗ để cho các em làm nháp. Làm như vậy các em đỡ mất công chuyển nội dung từ tờ đề bài sang tờ nháp.

Kinh nghiệm 3: Có các ký hiệu đặc trưng khi viết vào đề

Sau khi các em trả lời xong câu hỏi nào thì các em ghi ngay đáp án ở đầu câu hỏi đó.  Ở những câu các em chưa chắc chắn được đáp án thì tốt nhất là gạch bỏ toàn bộ đáp án sai, để nếu có thời gian kiểm tra lại các bạn không phải tư duy chúng từ đầu. Ở những câu này tốt nhất các em nên ghi dấu hỏi ở ngay đầu câu để đánh dấu. Việc viết như thế sẽ giúp các em kiểm soát được câu nào đã làm được, câu nào chưa làm được. Câu nào chắc chắn đúng, câu nào cần phải xem lại nếu còn thời gian…

Kinh nghiệm 4: Phân phối thời gian hợp lý

Sau khi hoàn thành việc ghi và tô mã đề các em cần bắt tay vào làm bài luôn.  Khi làm bài, các em nên làm bài một cách từ tốn không hấp tấp, làm ngay từ câu 1. Các em cần phải trả lời 50 câu hỏi trong vòng 90 phút và các câu hỏi dù khó hay dễ đều có điểm số bằng nhau. Vì thế nếu như đọc đề và suy nghĩ đến 2 phút mà không có ý tưởng trả lời thì tốt nhất xếp chúng vào loại câu hỏi mình chưa chắc chắn đáp án. Đồng thời phải thật cẩn thận ở những câu hỏi dễ, không phải vì nhìn thấy dễ mà chỉ lướt qua vài giây rồi trả lời ngay, vẫn phải đọc câu hỏi một cách cẩn thận rồi mới trả lời, tuyệt đối tránh tình trạng “khó thì không trả lời được còn dễ thì trả lời sai”.

Kinh nghiệm 5: Có quy trình làm bài hợp lý, Các em nên làm bài theo 3 vòng:

– Vòng 1: Làm với các câu hỏi mức độ nhớ và mức độ hiểu. Có thể nói vòng này là vòng làm được nhiều câu trong đề nhất.  Vậy câu hỏi mức độ nhớ và mức độ hiểu là như thế nào? Đó là những câu hỏi chỉ vừa đọc xong là ta đã tìm ra đáp án đúng. Hoặc là tập trung nghĩ hoặc tính toán một vài phút là ta đã tìm ra đáp án đúng

– Vòng 2:  Làm với các câu hỏi mức độ vận dụng trung bình. Đây là các câu hỏi chúng ta biết cách giải nhưng mà tính toán hơi dài. Hặc các câu lý thuyết tổng hợp cần thời gian phân tích nhiều.

– Vòng 3:  Làm với các câu hỏi mức độ vận dụng cao.  Câu hỏi vòng này khi làm có thể xảy ra hai hướng: Hoặc là nghĩ thật lâu rồi tìm ra, hoặc là càng nghĩ càng đi vào ngõ cụt. Tuy nhiên, với những câu không thể tìm ra đáp án đúng thì ta cần làm theo hướng ngược lại. Vì mỗi câu chỉ có một đáp án đúng, nhưng lại có 3 đáp án sai  nên việc tìm ra một vài đáp án sai không phải quá khó Với câu hỏi có 4 đáp án: A.  B. C. D. Nếu các em cứ để nguyên và chọn ngẫu nhiên vào một đáp án, thì xác suất đúng chỉ là 25%. Nhưng nếu ta loại trừ đi một đáp án sai. Khi đó, các em chọn ngẫu nhiên một đáp án trong các đáp án còn lại, thì xác suất đúng sẽ tăng lên thành 33,33%. Nếu các em có thể loại trừ đi được 2 đáp án chắc chắn không đúng. Khi đó, xác suất làm đúng của các em với câu rất khó sẽ tăng lên 50%.

Kinh nghiệm 6: Chuyển ngay sang phiếu trả lời trắc nghiệm

Làm được câu nào tô ngay vào phiếu trả lời có ý nghĩa gì?

Thứ nhất: sau khi làm mỗi câu, các em dừng lại tô vào phiếu. Đó chính là khoảng thời gian giúp thần kinh của các em được thư giãn trước khi sang làm một câu mới.

Thứ hai: việc tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm giúp cho chúng ta cuối giờ yên tâm để tập trung cho những câu mức độ khó và rất khó.

Thứ ba: giúp cho các em nhìn vào phiếu trả lời ta có thể thấy ngay những câu nào mình chưa làm. Rút ngắn thời gian xem lại từng câu. Chú ý rằng ngay cả các câu hỏi mà bạn không trả lời được thì vẫn phải điền đáp án. Đây là một phần của yếu tố may mắn khi đi thi.

Kinh nghiệm 7: Chọn bút chì, tẩy và cách tô phiếu trả lời trắc nghiệm Tốt nhất là sử dụng bút 2B. Khi tô không nên tô sơ sài quá, nhưng cũng không nên tô quá đậm. Vì tô quá đậm, quá kĩ sẽ làm cho chúng ta mất thời gian, đặc biệt là khi muốn thay đổi đáp án của một câu nào đó.

Kinh nghiệm 8: Chuẩn bị tinh thần và sức khỏe . Để đạt điểm số cao đặc biệt là điểm tuyệt đối, các em ngoài việc trang bị cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc, thì cần chuẩn bị cho mình tinh thần và sức khỏe. Cần tạo cho mình một tinh thần thật thoải mái khi làm bài.

Categorised in: