(sưu tầm)

Câu chuyện về các nguyên tố là câu chuyện về mối quan hệ của chúng ta với thế giới vật chất, một cái gì đó còn xuất hiện trước mọi khái niệm về bảng tuần hoàn. Sự gần gũi với vật chất không hề phụ thuộc vào hiểu biết chi tiết của chúng ta về silic, phốtpho hay molypden mà nó toát ra từ sự đằm tay dễ chịu của một thỏi bạc, từ sự ngọt ngào mát lạnh của nước, từ sự trơn nhẵn của viên ngọc được mài kỹ. Đó chính là nguồn gốc dẫn tới câu hỏi cơ bản: Thế giới được tạo nên từ cái gì?”. Câu hỏi đó đến nay vẫn chưa thể trả lời dứt khoát, bởi vì “không có gì thật rõ ràng về các tính chất của ngay cả những nguyên tố quen thuộc và cổ điển nhất”.

Hầu hết chúng ta luôn nhìn nhận về các nguyên tố theo cảm quan khá mông lung. Thêm vào đó, thế giới nguyên tố cũng không ngừng biến đổi, kéo theo những thay đổi cốt yếu trong lịch sử loài người.

Hóa học là một bộ môn khoa học thực nghiệm khá khô khan, nhưng xoay quanh việc tìm ra các nguyên tố trong bảng tuần hoàn lại có nhiều câu chuyện kỳ lạ.

Những điều ngược của một số nguyên tố hóa học

Oxy thường được cảm nhận như một nguyên tố thân thiện nhưng lại là một trong những nguyên tố tàn phá và ăn mòn mạnh nhất.

Hydro quen thuộc với những quả bóng bay đáng yêu nhưng có thể dùng tạo ra loại bom khủng khiếp gấp nhiều lần bom nguyên tử.

Asen độc nhưng không thể thiếu trong hầu hết mọi cơ quan sống.

Vàng – nguyên tố mà con người khao khát có càng nhiều càng tốt ấy lại rất vô dụng, không có vai trò sinh học tự nhiên.

Phát hiện nhiều nguyên tố trong một mỏ quặng

Ytecbi, ytri, tebi, eribi, gadoleni, honmi, luteti, scandi, tantan, tuli là tất cả nguyên tố hóa học được phát hiện từ một quặng đá thạch anh ở Ytterby, Thụy Điển. Mỏ quặng này hình thành do hoạt động của sông băng trong kỷ băng hà cuối cùng và lúc đầu được mở ra để khai thác felspat, một khoáng chất đóng vai trò chính trong việc tạo ra gốm sứ.

Bari được mệnh danh là đá phù thủy

Bari là một nguyên tố hóa học phổ biến được sử dụng để tạo ra chất tẩy trắng giấy, làm sáng tranh và một loại thuốc nhuộm màu để chặn các tia X và khiến các vấn đề thuộc hệ thống tiêu hóa trở nên dễ thấy hơn trên máy quét. Ở thời Trung Cổ, bari được nhiều người biết đến vì một lý do khác. Những viên đá trơn nhẵn, tập trung nhiều ở Bologna, Italy, rất quen thuộc với các phù thủy và giả kim thuật bởi đặc tính phát sáng trong bóng tối sau khi tiếp xúc với một nguồn sáng trong thời gian ngắn.

 

Sự trùng hợp trong việc tìm ra heli

Vào năm Pierre Jules Cesar Janssen quan sát hiện tượng nhật thực ở Ấn Độ và tìm ra một loại ánh sáng màu vàng chưa ai phát hiện trước đó. Pierre đã dựng một chiếc kính quang phổ mặt trời để quan sát quá trình phát xạ của Mặt Trời trong ngày. Joseph Norman Lockyer, một nhà thiên văn học người Anh ở cách nửa vòng Trái Đất cũng cùng lúc tiến hành công việc tương tự. Cả hai ghi lại phát hiện của mình và gửi đến Viện khoa học Pháp cùng ngày. Sau khi phát hiện được công nhận, họ đồng thời trở thành người tìm ra nguyên tố heli.

Nguyên tố gây tranh cãi lớn về tên gọi

Nhiều nguyên tố hóa học có tên gọi và ký hiệu không khớp nhau, chủ yếu vì ký hiệu lấy từ phiên âm trong tiếng Latinh. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là tungsten, có ký hiệu là “W.” Nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt là do nguyên tố này gắn với hai tên gọi trong một thời gian dài. Các nước nói tiếng Anh gọi nó là “tungsten” trong khi các nước khác gọi “vonfam” bởi lý do tungsten lần đầu được tách ra từ quặng khoáng volfamit và tên gọi cũ này còn duy trì đến năm 2005. Tuy nhiên, ký hiệu của tungsten trên bảng tuần hoàn hóa học vẫn là “W.”

Đèn neon tồn tại trước khi phát hiện nguyên tố neon

Neon là khí hiếm và là một trong 6 nguyên tố có tính trơ, không màu, không mùi và gần như không phản ứng hóa học. Năm 1898, hai nhà hóa học Morris Travers và William Ramsay làm thí nghiệm về sự bốc hơi của khí hóa lỏng và phát hiện ra neon cùng với các khí hiếm agon và krypton. Tuy nhiên, bóng đèn neon đã ra đời từ những năm 1850 khi Johann Heinrich Wilhelm Geissler dùng ống chân không, bơm chân không và phương pháp lắp các điện cực bên trong ống kính để tạo ra bóng đèn.

Nhôm quý hơn vàng

Trước năm 1880, các nhà khoa học mới chỉ tìm ra phương pháp để tách những mẩu nhôm cực nhỏ, do đó nhôm có giá rất cao. Napoleon III, tổng thống đầu tiên của nền cộng hòa Pháp, chỉ cho bày biện đồ dùng bàn ăn bằng nhôm khi tiếp đãi những vị khách cao quý nhất. Những khách mời bình thường sẽ được mời dùng dao nĩa bằng vàng hoặc bạc. Vua Đan Mạch đội vương miện làm bằng nhôm và các quý bà ở Paris (Pháp) thường đeo trang sức cũng như sử dụng ống nhòm bằng nhôm để thể hiện sự giàu có.

Những tai nạn chết người trước khi tìm ra flo

Trong nỗ lực tìm ra flo, các nhà khoa học đã gặp nhiều tai nạn chết người. Nhà hóa học Humphry Davy bị những tổn thương vĩnh viễn ở mắt và ngón tay. Hai nhà hóa học người Ireland là Thomas và George Knox từng cố gắng tách flo khỏi mẫu vật, một người không may tử vong trong khi người kia nằm liệt giường nhiều năm. Flo cũng là nguyên nhân gây ra cái chết cho hai nhà khoa học khác đến từ Bỉ và Pháp. Chỉ khi Ferdinand Frederic Henri Moissann nghĩ ra cách hạ thấp nhiệt độ mẫu vật xuống –23 độ C, ông mới thành công khi tách được flo ở dạng chất lỏng dễ bay hơi. Bản thân Moissan cũng buộc phải dừng nghiên cứu 4 lần vì bị nhiễm độc flo.

(Sưu tầm)

Categorised in: