Câu 1. là câu hỏi về khảo sát hàm số. Phần hình vẽ ở câu a (câu mà mọi học sinh đều có thể làm hoàn chỉnh) chỉ còn 1 điểm, giống như các đề thi tuyển sinh ĐH trước đây, trong khi đề thi tốt nghiệp các năm trước phần này chiếm tới 2 điểm. Câu hỏi phụ ở câu b có độ khó ngang với đề thi tú tài, học sinh trung bình có thể giải được câu này.
Câu 2a. có chủ đề về lượng giác. Mọi năm phần lượng giác thường chiếm 1 điểm trong đề thi ĐH và thường cho giải một phương trình lượng giác. Trong đề minh họa, bài toán tính giá trị một biểu thức lượng giác chỉ có 0,5 điểm. Đây là một bài toán nằm trong chương trình lớp 10. Các học sinh có kiến thức cơ bản nhất về lượng giác đều có thể giải được câu này. Câu này giúp cảnh tỉnh học sinh rằng phải nắm chắc kiến thức cơ bản ở sách giáo khoa, tránh việc “học tủ”, giáo viên cũng không được “dạy tủ”.
Câu 2b. liên quan đến số phức chiếm 0,5 điểm. Câu này có độ khó ngang với đề thi tú tài, học sinh trung bình sẽ giải được hoàn chỉnh.
Câu 3. là câu giải phương trình logarit bằng cách đưa về cùng cơ số. Học sinh trung bình có thể dễ dàng kiếm 0,5 điểm ở câu này.
Câu 4. là câu giải bất phương trình có chứa căn chiếm 1 điểm. Đây là câu phân loại ở mức 8-9 điểm dành cho học sinh khá giỏi. Tuy nhiên câu này dễ hơn nhiều so với các câu phương trình, bất phương trình, hệ phương trình đã ra trong đề thi ĐH-CĐ trong 3-4 năm trở lại đây. Học sinh khá có thể làm được câu này trọn vẹn.
Câu 5. là câu tính tích phân với độ khó như đề thi tú tài. Học sinh trung bình có thể dễ dàng kiếm 1 điểm ở câu này.
Câu 6. là câu hình học không gian gồm 2 ý, giống như đề ĐH-CĐ những năm gần đây. Ý đầu tiên là tính thể tích của hình chóp, học sinh trung bình sẽ có thể giải được ý này để kiếm 0,5 điểm. Ý thứ hai là tính khoảng cách từ một điểm đến một mặt phẳng chiếm 0,5 điểm, học sinh khá mới có thể giải được.
Câu 7. là câu hình học giải tích Oxy chiếm 1 điểm, là câu phân loại để lấy 8-9 điểm. Câu này có sử dụng khái niệm đường tròn bàng tiếp đã được học ở lớp 9. Đây là kiến thức đã học ở bậc THCS và hầu như không xuất hiện ở bậc THPT nên nhiều học sinh sẽ quên khái niệm này. Tuy nhiên câu này dễ hơn các câu đã ra thi trong các đề ĐH trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Câu 8. là câu hình học giải tích Oxyz mà học sinh trung bình không khó khăn để lấy trọn vẹn 1 điểm.
Câu 9. là câu hỏi về xác suất. Câu này có độ khó hơn rất nhiều các câu xác suất đã từng ra thi ĐH trước đây. Học sinh khá có học và hiểu kỹ phần tổ hợp, xác suất mới có thể giải trọn vẹn để kiếm 0,5 điểm ở câu này.
Câu 10. là câu tìm giá trị nhỏ nhất chiếm 1 điểm, đây là câu khó nhất của đề, dành cho các học sinh giỏi. Trong khoảng 5 năm gần nhất, đây thường sẽ là một bài toán gồm 2-3 biến. Tuy nhiên ở đề thi này, biểu thức P chỉ chứa 1 biến. Câu này dễ hơn nhiều so với các câu đã ra thi trong các đề ĐH năm 2014.
Nhìn chung điều gây ấn tượng nhất đối với đề thi này chính là việc không có câu hệ phương trình. Và từ những yêu cầu của đề, học sinh có học lực trung bình có thể đạt được 4-5 điểm, đủ để xét tốt nghiệp. Dự đoán sẽ có nhiều học sinh đạt mức 6 điểm. Những học sinh khá có thể đạt 7-8 điểm, chỉ có học sinh giỏi thực sự mới có thể đạt 9-10 điểm.
Với đề thi minh họa, các câu hỏi về kiến thức khảo sát hàm số và vẽ đồ thị, bài toán liên quan đến khảo sát hàm, tính giá trị của một biểu thức lượng giác hoặc giải phương trình lượng giác, số phức, phương trình logarit hoặc phương trình mũ, tích phân, hình học không gian và hình giải tích trong không gian Oxyz, tổ hợp hoặc xác suất nằm ở mức độ từ dễ đến trung bình. Và số điểm của phần này là 7 điểm.
Các câu hỏi còn lại trong đề là 3 câu hỏi từ khó đến rất khó. Chẳng hạn câu 4 là một câu về giải bất phương trình có chứa căn thức. Thường đây là một câu tương đối khó. Học sinh cần nắm vững các phương pháp giải và chịu khó rèn luyện thêm các bài nâng cao trong suốt quá trình học mới có thể giải được trong một thời gian ngắn.
Câu 7. là một bài toán hình học giải tích trong mặt phẳng với hệ tọa độ Oxy. Đây là một câu khó vì đòi hỏi thí sinh phải nhớ và biết sử dụng kiến thức của các lớp dưới. Đặc biệt các em nên ôn lại những kiến thức hình học của lớp 9 và lớp 10.
Câu 10. là câu khó nhất dùng để phân loại thí sinh, thường là câu bất đẳng thức hoặc tìm giá trị max hay min. Để làm được câu này đòi hỏi thí sinh phải có khả năng tư duy độc lập, có óc chủ động sáng tạo, có khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp vào giải quyết một vấn đề, không làm theo khuôn mẫu. Nếu các em không thật sự tự tin để giải thì nên bỏ qua, sẽ quay lại bài này sau khi đã giải quyết những bài toán khác và còn thời gian. Để đậu đại học, không cần tới điểm 10, nên dành thời gian chăm chút 9 điểm còn lại.
Đối với thí sinh mọi chi tiết về các chủ đề trên đều quan trọng, nhưng quan trọng nhất, đó là các em phải tự trang bị cho mình đầy đủ kiến thức và sự bình tĩnh, tự tin trong lúc làm bài thi.
Categorised in: TOÁN