Tháng 10 đã về!

Tôi thả bộ theo con phố nhỏ ở gần nhà tôi vào một buổi chiều. Trong khi ánh nắng vẫn còn chưa tắt, và ngọn gió vẫn còn thổi mạnh, tôi cảm nhận có chút se lạnh của mùa thu, chút nồng nực còn sót lại của mùa hè và có cả chút đượm buồn, lạnh giá của mùa đông. Tôi vẫn đang thư thái cảm nhận tiết trời vào thu thì đập vào mắt tôi hình ảnh hai người, một phụ nữ đã có tuổi và một anh thanh niên. Điều khiến tôi giật mình là vì dáng đi của họ. Người phụ nữ đã có tuổi, dáng đi ngúc ngắc, hình như bà bị tật ở chân bên phải. Vậy nhưng bà luôn cố gắng bám theo chàng thanh niên. Còn anh thanh niên nhìn thật đờ đẫn, vừa đi vừa nhìn xung quanh, có khi lại cúi mặt xuống đất như đang kiếm tìm cái gì. Tôi bất chợt dừng bước, nhìn theo mãi dáng đi của họ…

Buổi sáng đi chợ, tôi lại nhìn thấy hai người hôm trước. Lần này họ đi song song, người phụ nữ vừa đi vừa nói một điều gì đó nhưng hình như anh thanh niên không để ý, cứ lúc lắc cái đầu và lầm bầm một vài câu vô nghĩa. Thấy tôi cứ nhìn theo họ, chị bán trái cây vừa nhanh tay trao hàng cho khách vừa nói: “Hai người đó là mẹ con. Mẹ bị tâm thần nhẹ, bị hãm hiếp và sinh ra thằng con cũng khùng khùng”. Bà bán bún ngồi bên cạnh tiếp lời : “Nhìn vậy chứ bà ấy thương con lắm! Sáng nào cũng ra đây, ai cho gì cũng đưa cho thằng con hết. Đi đâu cũng kè kè theo như sợ mất nó vậy”. Tôi chợt nhận ra…

Người mẹ này đã sống qua ngày đau khổ cùng con. Nước mắt bà chắc hẳn không lăn dài mà đã vo tròn vào những bữa ăn đắp đổi ở nơi đầu đường xó chợ, đã bị kéo lê trong mỗi bước chân khó nhọc mà bà lặng lẽ theocon. Người mẹ này cũng đã mang nặng đẻ đau 9 tháng mười ngày, để rồi niềm vui chưa trọn vẹn là nỗi buồn ập đến, theo suốt cả cuộc đời. Có khi nào trong phút giây tỉnh trí, người mẹ chắt lọc được hạnh phúc nhỏ nhoi để cùng con đi tiếp trên nhiều ngả đường ở Phan Thiết…

Và tôi nghĩ tới một học sinh thân yêu của tôi. Trong số học sinh tôi chủ nhiệm năm nay, có một em tên là Ng. Em này gây ấn tượng với tôi không phải vì nét xinh đẹp hay học giỏi. Điều tôi cảm nhận ở em mỗi khi tôi tiếp xúc với em là thái độ câng câng, ánh mắt bất cần và cái nhìn luôn đảo thật nhanh rồi quay đi nơi khác.

Cho đến một hôm, tôi điều một số học sinh lên học trái buổi vì những em này có dấu hiệu chây lười, trong đó có tên em. Em không thể học thuộc bài mặc dù đã có hai cán sự lớp dò lại bài. Tôi bảo em đến gặp tôi. Tôi ngồi đối diện với em, hỏi lí do vì sao em không học được trong khi các bạn khác vẫn học thuộc hết? Em im lặng. Lại là thái độ câng câng, ánh mắt bất cần…Tôi hỏi tiếp:

-Em đi thế này ba mẹ có biết không?

Lần này thì em trả lời:

-Dạ, không.

Tôi lại hỏi tiếp:

-Ba em hôm nay làm gì?

– Dạ, ba đi biển.

-Đi mấy ngày rồi em?

-Dạ, hình như hai ngày.

-Vậy mẹ em vẫn đi chợ để buôn bán chứ?

-Dạ có.

-Vậy nếu trưa nay em về trễ, không kịp nấu cơm cho mẹ, mẹ có nói gì không?

Im lặng. Một cái mím môi và một cái liếc ra ngoài ban công. Tôi chờ đợi. Và:

-Mẹ đâu có nói, mẹ đánh không à.

Tôi chưa kịp nói gì thì chợt thấy mắt em chớp chớp. Hóa ra…

Người mẹ này cũng đã mang nặng đẻ đau 9 tháng mười ngày, sinh ra em là chị cả trong một gia đình nghèo vùng biển. Có một điều khiến tôi thêm nặng lòng là người mẹ này không biết chữ. Cuộc sống vất vả bon chen và  sự thiếu hiểu biết khiến bà thêm khốn khổ. Bao nhiêu niềm hi vọng bà dồn hết vào em. Khốn nỗi, em không được như kì vọng của người mẹ. Nên đòn roi là cách dạy con hàng ngày của người mẹ này. Để rồi giờ đây, tôi nhận ra lí do vì sao em có thái độ và ánh mắt như thế…

Tôi xót xa vì em phải chịu đòn roi. Nhưng tôi cần phải dạy em rằng em không nên oán trách cha mẹ. Và cũng đừng lớn tiếng với mẹ cha. Bởi đó là bậc sinh thành ra em đó. Có thể em không muốn đó là mẹ của em, nhưng em không thể thay đổi được sự thật: người đó là mẹ của em. Em cũng chưa đủ lớn để hiểu hết tình yêu thương lớn lao của mẹ.Người mẹ hết lòng lo lắng, quan tâm cho mái ấm gia đình, đặc biệt là luôn che chở cho con trên mỗi bước đường đời. Khó có thể nói hết bằng lời công lao to lớn như trời biển của mẹ, nuôi nặng đẻ đau, không ngại gió mưa vất vả, mẹ chăm cho con từng bữa ăn giấc ngủ rồi thật vui khi con vụng về nói tiếng đầu tiên: “Mẹ ơi”.

Bây giờ em đã lớn, hi vọng của mẹ cũng lớn dần lên. Vậy nên em hãy làm những việc có thể khi mẹ cần em giúp đỡ nhé, đừng chần chừ đừng chờ đợi đến lúc: con lớn thêm chút nữa! Em hãy học cách cảm thông và sẻ chia trách nhiệm trong công việc gia đình cùng mẹ. Và em hãy cố gắng học tập tốt để có được tương lai sáng ngời hơn em nhé. Dù ở thời kì nào đi nữa, Người phụ nữ VN cũng luôn hi sinh âm thầm lặng lẽ để vun đắp cho mầm sống tương lai. Phận làm con phải biết đáp đền, đó mới là đạo hiếu.

Hai câu chuyện- hai cuộc đời. Nhưng có một điều giống nhau đến kì lạ mà tôi cảm nhận được ở đây, đó là sự vô tâm đến vô tình của người con, vì bị bệnh hay bị đánh nên không nhận ra tình thương vô bờ bến của  người mẹ. Và hai người mẹ, họ cũng không thể nói ra thành lời yêu thương nhưng từ sâu thẳm trái tim của những người mẹ này, đứa con là tất cả.

Tôi không còn thấy gió thổi mạnh nữa. Hình như gió heo may đã về…

                                                                 

 

Phan Thiết,13/10/2015

                                                                                                                 Nguyễn Thị Yến

Categorised in: