Tiểu thuyết “Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội” và “Thuốc mê” đưa độc giả trở về làng văn học Việt những năm 1940.
Tác giả Nguyễn Bính và Thâm Tâm là đôi bạn rất thân. Họ cùng làm thơ, sinh hoạt văn nghệ và sống trong giai đoạn đặc biệt của nền văn học Việt Nam vào thập niên 1940. Nhà xuất bản Văn học và công ty sách Tao Đàn vừa chọn in lại hai tác phẩm văn xuôi tiêu biểu của họ.
Bìa sách “Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội” của Nguyễn Bính và “Thuốc mê” của Thâm Tâm. |
Khi hai quyển sách được đặt cạnh nhau, độc giả có thể cảm nhận được sự ngưng đọng của thời gian. Lịch sử như một lát cắt mà ta có thể đặt trên giá sách, để khi trang sách cuối cùng gấp lại, ta không chỉ nhớ đến một Nguyễn Bính, một Thâm Tâm mà còn nhớ đến một thời kỳ văn chương Việt Nam.
Cuốn Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội của thi sĩ Nguyễn Bính xuất bản lần đầu tiên vào năm 1940. Khi ấy, Nguyễn Bính chỉ vừa 22 tuổi. Đến nay, 76 năm sau lần xuất bản lần đầu, tiểu thuyết trở lại làng văn học trong nước giúp bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi được biết đến một Nguyễn Bính khác, ngoài Nguyễn Bính là “thi sĩ chân quê” đã quen thuộc.
Cuốn sách mang nhiều tính chất tự sự, cũng như giải mã phần nào không khí văn chương Việt thời đó qua cuộc sống của đôi bạn thân Điệp và Tuấn. Độc giả ngầm hiểu nhân vật Điệp tương đồng với chính tác giả Nguyễn Bính. Còn nhân vật Tuấn là Nguyễn Tuấn Trình, tức Thâm Tâm. Hai nhân vật này cùng số phận vì yêu mà đau khổ, đều tha thiết yêu nhưng không được đáp lại. Để sau cùng, họ yêu một hồn ma mà mình chưa từng biết mặt.
Qua từng trang sách, một Hà Nội vừa đẹp, vừa buồn thấp thoáng ẩn hiện. Đó là một nhành hoàng lan tỏa hương trong mùa đông giá lạnh. Đó là hai người đàn ông mơ về một chiếc áo len của người đàn bà đan tặng. Họ bất lực, khát khao và chống chọi với ham muốn được yêu. Họ cùng yêu một hồn ma mà cuộc đời không còn khả năng làm vẩn đục. Nhưng liệu hồn ma tên Vương Thị Hoàng Lan ấy có đáng được yêu như họ tưởng tượng? Những ai từng yêu thơ Nguyễn Bính có lẽ sẽ không bất ngờ với với lối văn chương giản dị, sâu sắc trong tiểu thuyết của ông. Sách nhẹ nhàng như hơi thở của thơ và thấm đẫm vào hồn người những nghĩ suy về thân phận và tình yêu.
Khác với tiểu thuyết của Nguyễn Bính, truyện Thuốc mê của Thâm Tâm lại mang bạn đọc đến một câu tác phẩm phản ánh những trần trụi của cuộc sống ở ngôi làng miền Bắc xa xôi có tập tục thờ cúng lạ lùng. Trong Thuốc mê có đủ các sắc thái tình cảm trong đời sống: tình bạn bè đã giúp Giáp khi anh bị bùa mê làm lu mờ lý trí, những tính toán của Tý để bùa cho được một người đàn ông theo lệ làng. Đó còn là tình mẹ yêu con của mẹ Giáp, mẹ Tý dù hai tình yêu ấy thể hiện theo hai cách hoàn toàn khác nhau, là tình yêu lúc thực, lúc mê của Giáp và Tý hay của Tý và Cưỡng. Tác giả để ra một cái kết bất ngờ, gợi mở khiến sau khi trang sách khép lại, bạn đọc vẫn còn nhiều nghĩ suy.
Đoàn Kim Ngọc
Link tham khảo: http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/tieu-thuyet-cua-nguye-n-bi-nh-tham-tam-duoc-tai-ban-3369912.html
– NTC –
25/03/2016
Categorised in: NGỮ VĂN